Đi tìm nguồn lực tài trợ cho phong trào, hoạt động sáng tạo của thanh thiếu nhi thành phố

Sau khi hình thành nên những phong trào, hoạt động, sân chơi khoa học sáng tạo cho thanh thiếu nhi thành phố, một thách thức đặt ra cho tập thể cán bộ, lãnh đạo trung tâm là nguồn tài trợ để tiếp tục tổ chức, triển khai, đưa phong trào sáng tạo của tuổi trẻ thành phố ngày một bay cao, bay xa hơn nữa. Trong giai đoạn đầu khi đất nước chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, những nguồn kinh phí bao cấp trước đây “tự nhiên” biến mất, các doanh nghiệp thì chưa quen tài trợ cho hoạt động sáng tạo của thanh niên, nên nguồn kinh phí để tổ chức chương trình trở thành bài toán nan giải đối với tập thể lãnh đạo và cán bộ Trung tâm. Trong khi đó, chủ trương phát triển của Trung tâm là xây dựng các hoạt động mang tính lâu dài, bền vững, kiểu mẫu và có sự thay đổi thích ứng với từng thời kì, tạo môi trường rèn luyện đích thực cho các bạn trẻ. Do đó, dù gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ trung tâm vẫn luôn nỗ lực vượt qua, liên hệ với các nhà tài trợ cũng như đơn vị hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn, để duy trì và phát triển các hoạt động sáng tạo cho thanh thiếu nhi thành phố.

Vào năm 2004, khi số lượng đề tài tham gia giải Euréka đã lên đến con số hơn 400 đề tài (tăng gấp ba so với năm 2002), đòi hỏi công tác tổ chức phải quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và cần nhiều kinh phí hơn. Được sự hỗ trợ của Ban thường vụ Thành Đoàn, Trung tâm đã xây dựng Quỹ sinh viên nghiên cứu khoa học và trình Thành phố xét duyệt. Lần đầu tiên UBND TP. Hồ Chí Minh cấp một tỷ đồng để phục vụ cho việc tổ chức giải thưởng. Sự quan tâm của UBND Thành phố cũng bắt đầu khẳng định sự lớn mạnh của giải thưởng. Cho đến nay, sau 10 năm thành lập, Quỹ Sinh viên nghiên cứu khoa học đã phát triển lớn mạnh và hỗ trợ cho rất nhiều bạn sinh viên học tập tại TP. Hồ Chí Minh. Cũng chính trong giai đoạn 2002 – 2005, Trung tâm đã vận động được hơn 1000 máy tính (máy tính là thiết bị rất giá trị vào lúc bấy giờ) cho chương trình “Xóa mù tin học” và trung tâm cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị chung tay góp sức đồng hành qua từng hoạt động.

“Chính từ những chuyến công tác đến các nước có trình độ khoa học phát triển, đã giúp anh tăng cường thêm kiến thức thực tiễn về các loại hình khoa học công nghệ phù hợp với những người nghiên cứu trẻ, từ đó rút ra được kinh nghiệm xây dựng các hoạt động phù hợp với tình hình trong nước”

Anh Đỗ Việt Hà
(Giám đốc Trung tâm giai đoạn 2002 -2005)

Theo anh, để các mô hình, hoạt động có thể tạo được sự lan tỏa sâu rộng, thì trước hết cần phải nhận được sự đồng thuận và chung sức của xã hội, bên cạnh đó các mô hình, hoạt động cần được định hình, cải tiến để theo kịp với thực tiễn cuộc sống.

Share This