Đề tài “Mô hình hệ thống thiết bị cắt, băm, sấy cỏ/ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng báo ủ chua làm thức ăn cho gia súc” do nhóm thí sinh Lê Thị Thanh Huyền, lớp 11D2, Nguyễn Quỳnh Hương Ly, lớp 12D1 trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội; Lê Minh Hiếu, lớp 9A1 trường Tiểu học và THCS Pascal, Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Trịnh Hà Phương, lớp 7A3 trường THCS Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội; Nguyễn Hương Minh Trang, lớp 7A2, Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội thực hiện, đạt Giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020.
Việt Nam là nước nông nghiệp, trong đó ngành chăn nuôi có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ hộ gia đình, sử dụng kinh nghiệm cha ông để lại mà ít áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào do thiết bị đang bán ngoài thị trường chỉ phù hợp với quy mô lớn. Chính vì vậy, chúng em đã có ý tưởng chế tạo ra “mô hình thiết bị cắt – băm, sấy cỏ/ngô kết hợp với năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc” quy mô nhỏ nhằm nâng cao chất lượng thức ăn và giải phóng sức lao động cho người dân.
Hệ thống thiết bị này gồm 3 cụm máy chính: Cụm cắt băm; cụm nhà sấy kết hợp năng lượng mặt trời; cụm phun men vi sinh, ép đóng bao ủ chua.
Cụm máy cắt băm bao gồm máng nạp nhiên liệu, để cho nguyên liệu là cỏ, ngô tươi thu hoạch ngoài đồng và dao cắt băm có tốc độ quay 1.400 vòng/phút được quay bằng động cơ điện. Kích thước lát cắt khoảng 3-6cm và có thể điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu ủ đối với từng đối tượng sử dụng.
Cụm nhà sấy kết hợp năng lượng mặt trời: bao gồm khung được thiết kế theo hình bán cầu, lợp mái tấm sáng để hấp thụ ánh sáng mặt trời một cách tốt nhất. Dưới tác dụng
của hiệu ứng nhà kính, nhiệt trong nhà sấy sẽ tăng lên để sấy sản phẩm, hơn nữa khi nhiệt tăng sẽ làm chênh lệch áp suất giữa trong và ngoài nhà làm cho quả cầu trên nóc nhà quay làm cho không khí trong nhà được lưu thông, tăng nhanh tốc độ sấy sản phẩm.
Cụm phun men vi sinh, ép đóng bao ủ chua: là một băng chuyền kết hợp với máy ép đóng bao và vòi phun men vi sinh. Khi độ ẩm sản phẩm trong nhà sấy nằm ở khoảng 65% – 70% sẽ được cho chạy lên băng chuyền, tại đây thông qua vòi phun men vi sinh sẽ được phun và trộn đều với sản phẩm. Sau đó sẽ theo băng chuyền vào máy ép đóng bao. Không khí trong bao sẽ được ép hết ra ngoài để quá trình lên men chua yếm khí được diễn ra thuận lợi. Sản phẩm sau đó sẽ được chuyển vào nhà sấy để ủ và sau 21 ngày sẽ được dùng làm thức ăn cho vật nuôi.
Với mô hình này, việc chăn nuôi sẽ trở nên dễ dàng, vật nuôi được cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng và an toàn về chất lượng sẽ tăng năng suất, mang về lợi ích cao cho người chăn nuôi. Trong thời gian tới chúng em sẽ triển khai đến các hộ chăn nuôi để giúp người dân không còn vất vả khi chăn nuôi nữa.