Đề tài “Di sản văn hóa người Dao Lào Cai” do nhóm thí sinh Tẩn A Sì, lớp 7A và Tẩn Sì Mẩy, lớp 8B trường PTDTBT TH và THCS A Mú Sung, Bát Xái, Lào Cai thực hiện, đạt Giải Đặc biệt tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020, mô phỏng lại nghi lễ mang đậm bản sắc dân tộc này nhằm góp phần bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của người Dao và truyền bá, lan tỏa những nét văn hóa này tới cộng đồng.
Lễ cấp sắc giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Dao. Nghi lễ này mang đậm các giá trị văn hóa như phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật được kết tinh qua nhiều thế hệ người Dao. Tuy nhiên, do chính sách mở cửa, giao lưu và hội nhập, những năm gần đây, các giá trị văn hóa cổ của người dân tộc Dao đã dần bị mai một, trong đó có Lễ cấp sắc.
Mô hình được cấu tạo từ các vật liệu có sẵn như gỗ, vải, tre, sắt, mô tơ điện để mô phỏng, tái hiện các nghi lễ cúng rừng, lễ cơm mới, đám cưới và đặc biệt là nghi lễ cấp sắc ở cả ngoài trời và trong nhà với phối cảnh thiên nhiên. Hoạt động của mô hình dựa trên nguyên lý chuyển động cơ học từ mô tơ điện tới các trục quay và truyền lực tới các khớp nối giữa người được cấp sắc và thầy cúng. Bật công tắc thì trục quay gắn với mô tơ điện chuyển động và truyền lực lên các khớp nối, khi đó người được cấp sắc và các thầy cúng sẽ thực hiện các thao tác trong lễ cấp sắc.
Mô hình được làm từ những vật liệu đơn giản, gần gũi thiên nhiên nhưng đã mô phỏng rất chân thực, chi tiết từng nghi thức của buổi lễ khiến người xem có thể dễ dàng hiểu hết nét đặc trưng văn hóa của buổi lễ này.
Mô hình “Di sản văn hóa người Dao Lào Cai” là cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa người Dao Lào Cai nói chung, xã A Mú Sung, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt nói riêng trong xu thế hội nhập phát triển. Ngoài ra, mô hình còn có ý nghĩa về mặt giáo dục, lan tỏa rất cao. Đây có thể là tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển các mô hình bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống khác của các dân tộc trên khắp cả nước.