HỘI NGHỊ - HỘI THẢO

Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho thanh niên – sinh viên TP.HCM

Hội thảo Khoa học “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên” cung cấp cho thanh niên những vấn đề định hướng, tạo cơ hội giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ về quan điểm chuyển đổi số, đồng thời công bố và chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất.

Ngày 18/5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đồng hành cùng Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) phối hợp với Đại học Ngân hàng TP.HCM, Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học Công nghệ), tổ chức Hội thảo Khoa học “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên”.

Hội thảo Khoa học “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên” là một trong những hoạt động chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 năm 2022. Hội thảo cung cấp cho thanh niên những vấn đề định hướng, tạo cơ hội giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ về quan điểm chuyển đổi số, đồng thời công bố và chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất. Hội thảo đã nhận được 65 bài báo khoa học của 130 tác giả đến từ 30 đơn vị trên cả nước, trong đó có 28 bài được chọn đăng trong Kỷ yếu.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã bày tỏ quan điểm về tinh thần đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số cùng một số định hướng trong chuyển đổi số để xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh các chương trình khoa học công nghệ hiện nay đã được TP.HCM tái cấu trúc nhằm tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách của Thành phố. Trong đó, nhiều chương trình đềucó thể ứng dụng chuyển đổi số để triển khai theo từng mô hình hoặc giải pháp thực tiễn, tạo ra những giá trị hữu ích cho cộng đồng.

Theo nhóm tác giả Trần Thị Phương Hiền, Vũ Khôi Nguyên, Vũ Khôi Minh (Đại học Kinh tế quốc dân, Cao đẳng FPT Polytechnic), chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra buộc các Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân phải thay đổi, trong đó có lực lượng sinh viên. Nhận thức của sinh viên có sự thay đổi về chất so với bậc học dưới, tự ý thức được bản thân, có tư duy độc lập hình thành được thế giới quan. Khi mà chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế phát triển của mọi mọi tổ chức, mọi ngành, mọi quốc gia trong kỷ nguyên 4.0 thì nhận thức về chuyển đổi số của sinh viên – lực lượng nòng cốt trong các tổ chức đóng vai trò quan trọng. Từ nhận thức, đến hiểu rõ, và hành động, sinh viên sẽ có định hướng rõ ràng hơn học tập, trau dồi và định hướng sự nghiệp của mình, đóng góp vào quá trình chuyển đổi số cho tổ chức, quốc gia.

Tác giả Nguyễn Trần Khai Quốc (Học viện Cán bộ TP.HCM) đề xuất phát triển các mô hình hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi đối với những cá nhân, tổ chức có mong muốn thực hiện chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng phần mềm công nghệ. Tác giả cũng kiến nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở địa phương cần triển khai các chương trình tuyên truyền về chuyển đổi số để tạo niềm tin, tháo gỡ vướng mắc ở thanh niên.

Đến dự Hội thảo Khoa học “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên”, thanh niên – sinh viên còn được tham dự 2 tiểu ban với 12 bài báo cáo thuộc hai chủ đề là “Giải pháp công nghệ” và “Nâng cao năng lực giáo dục”.

Phiên Tiểu ban 1 – Giải pháp công nghệ (06 báo cáo): Tập trung nghiên cứu về các mô hình, giải pháp trí tuệ nhân tạo, AioT, cải tiến hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ. Các đề tài nghiên cứu về công nghệ mới mà Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data)…

Phiên Tiểu ban 2 – Nâng cao năng lực giáo dục (06 báo cáo): Nghiên cứu đề xuất chính sách chuyển đổi số cho thanh niên, và những giải pháp nâng cao năng lực giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số.

Nguồn: PV Hoàng Kim – Trung tâm thông tin, thống kê KHCN

Share This