HỘI NGHỊ - HỘI THẢO

Hội thảo “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên”

(VOH) – Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra mọi mặt đời sống, trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Sáng 18/5, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ – Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố tổ chức Hội thảo Khoa học “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên”.

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra mọi mặt đời sống, trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến sinh hoạt, học tập, làm việc và phát triển của thanh thiếu nhi. Công nghệ, các nền tảng số và năng lực số của công dân trở thành những nhân tố đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng số trở thành lực lượng vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Do vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên, được rất nhiều nước quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, trở thành chiến lược quốc gia. Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Ngân hàng Thành phố phát biểu: “Tôi đánh giá rất cao 65 bài đã gửi về cho ban tổ chức của gần 150 tác giả, tôi thấy nhiều ý tưởng hay, rất thú vị. Tôi tin rằng những bài hôm nay, chúng ta chắt lọc được, có thể tạo ra hệ thống sáng kiến, ý tưởng để phục vụ cho công tác tham mưu cho Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, rộng hơn là Uỷ ban nhân dân Thành phố và Sở Khoa học Công nghệ trong vấn đề chuyển đổi số”.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Thành Uỷ viên – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thành phố cho biết, có 3 đặc trưng hết sức cơ bản khi nói đến chuyển đổi số và quan trọng nhất là đừng nói về trí tuệ nhân tạo, về big data, bởi vì việc đầu tiên của chuyển đổi số là phải thay đổi tư duy để giải quyết vấn đề gì đó, chứ không phải bắt đầu từ công nghệ. Thứ nữa là phần công nghệ, tức là tích hợp các công nghệ khác nhau, giúp chúng ta thực hiện mô hình giải pháp mới đó, nhưng mà cuối cùng thì chuyển đổi số phải đáp ứng được là tạo ra giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội hay cho doanh nghiệp. Ông Việt Dũng gợi ý về mô hình đôi mới sáng tạo: “Trong quá trình nghiên cứu thì nên áp dụng mô hình đổi mới sáng tạo, có nghĩa là một chu trình khép kín từ việc xác định vấn đề, xây dựng ý tưởng, thu thập dữ liệu… phân tích để xây dựng ý tướng, sau đó là tìm kiếm các giải pháp tối ưu để thực hiện. Phải làm sao phát triển được sản phẩm mẫu, cái đó hết sức quan trọng, bởi vì chỉ có cái đó thì chúng ta mới có thể thử nghiệm, và quá trình thử nghiệm sẽ đo lường được những trị số mà chúng ta đặt ra ban đầu của mô hình đạt được hay không đạt được, từ đó mới bắt đầu học hỏi để tiếp tục hoàn thiện ý tưởng, giải pháp”.

Theo Tiến sĩ Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cho rằng, chuyển đối số là cả một quá trình thay đổi quan trọng, bởi vì chúng ta chuyển đổi số không phải là làm ngay những cái gì, mà chúng ta phải chuyển đổi bắt đầu tư đâu, cách đi như thế nào, có kế hoạch, có chiến lược và quan trọng nhất là trong một tổ chức chuyển đổi số bắt đầu từ khâu nào, kể cả doanh nghiệp cũng giống như vậy. “Tôi thấy 3 yếu tố của chuyển đổi số thành công, thứ nhất là xác định giá trị hay cốt lõi của tổ chức là gì; khách hàng là ai, có sản phẩm gì phải tập trung vào, là rất quan trọng; sau đó bắt đầu tiếp đến nếu chuyển đổi số thì bắt đầu chuyển đổi từ con người, là chuỗi giá trị về con người, từ gọi là nhận thức, kỹ năng, trình độ cho đến vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo rất quan trọng, không có sự dẫn dắt gì thì rất khó. Thứ hai nữa là tinh thần đổi mới sáng tạo”.

Về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến ngân hàng, Tiến sĩ Phạm Xuân Kiên – Trưởng ngành hệ thống thông tin, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố cho hay: “Thứ nhất là nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, sự nâng cao, sự thay đổi rất lớn về trải nghiệm cho khách hàng. Thứ nữa là tăng cường mức độ bảo mật đặc biệt là bảo mật trên không gian mạng. Thứ ba đó là tự động hoá dần dần các quy trình, các tác nghiệm trong ngân hàng, hướng đến là ngân hàng hoàn toàn tự động. Thứ tư đó là phát triển các sản phẩm, các dịch vụ mới cũng như là tăng cường nâng cấp các sản phẩm và dịch vụ hiện có, dẫn đến kết luận đó là chuyển đổi số là tất yếu, giúp cho ngành ngân hàng vượt lên thách thức trong kỷ nguyên số”.

Kết thúc hội thảo, ban tổ chức đã tuyên dương và trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 6 giải Khuyến khích. Các báo cáo đạt giải sẽ được hỗ trợ phản biện và ưu tiên chính sách công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (tiếng Anh và tiếng Việt), Tạp chí Kinh tế – Ngân hàng châu Á.

Nguồn: PV Bá Nam – Báo VOH

Share This