Giám đốc Sở KH&CN TP HCM cho rằng, dư địa chuyển đổi số trong khu vực công của TP HCM rất lớn, là cơ hội cho các nhà nghiên cứu phát triển giải pháp.
Tại hội nghị “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên” tổ chức sáng 18/5, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025 của thành phố hướng tới 6 chương trình với vai trò bao trùm là chuyển đổi số.
Ông cho biết, thành phố tái cấu trúc chương trình khoa học công nghệ, giảm những nhiệm vụ mang tính hàn lâm, tập trung phát triển nghiên cứu ứng dụng, giải quyết các vấn đề cấp bách. Cụ thể, TP HCM đặt hàng nhà khoa học phát triển các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị, cung cấp dịch vụ công.
Ông Dũng cho biết, các nghiên cứu nên bắt đầu khu vực công, nghiên cứu giải pháp, mô hình mới cho thành phố. Ông ví dụ ngành thuế cần giải pháp chuyển đổi số giúp quản trị thuế tốt nhất. Hay ứng dụng công nghệ trong việc hỗ trợ quận huyện làm báo cáo giúp họ giải phóng sức lao động. Từ đó, sử dụng dữ liệu để thực hiện phân tích xu hướng, dự báo, ra quyết định phục vụ cho công việc cơ quan nhà nước.
Với chuyển đổi số trong giáo dục, ông Dũng gợi ý phát triển các công cụ học trực tuyến, có tính năng có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, hay phát triển các nền tảng số trong giáo dục.
Lĩnh vực y tế cần các hệ thống kết nối y tế tuyến trên với phường xã hay các phần mềm hỗ trợ bác sỹ khám chữa bệnh. Trong an ninh trật tự thành phố có số lượng camera rất lớn nhưng cần hệ thống tự động nhận diện, xử lý thông tin…
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, dư địa chuyển đổi số khu vực công đang rất lớn, là cơ hội cho các nhà nghiên cứu phát triển giải pháp, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thành phố. Tuy nhiên, muốn đáp ứng được nhu cầu này, các nhà khoa học phải giải bài toán ở quy mô lớn, huy động nhiều nhóm cùng tham gia giải quyết. Từ đó mới hình thành hệ sinh thái kết nối giải quyết bài toán thực tiễn. “Nếu chỉ một hai người làm chúng ta chỉ làm cái nhỏ”, ông Dũng gợi ý.
Để tham gia các nhiệm vụ này, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM hiện có các chính sách hỗ trợ cho nhà khoa học thông qua các chương trình như: Vườn ươm khoa học trẻ, chương trình nghiên cứu phát triển, chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo…
TS Phạm Bình An, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, chuyển đổi số nhà nước luôn là chủ thể đi sau sự phát triển của thị trường. Do vậy, các bạn trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp mới là người dẫn dắt trong lĩnh vực này, tạo ra các sản phẩm công nghệ và được thị trường chấp nhận. Nhà nước chỉ đứng ở vai trò tổng kết, định hướng các lĩnh vực nghiên cứu và chính sách hỗ trợ trong chuyển đổi số.
Theo lãnh đạo TP HCM dân số thành phố mỗi ngày một tăng, công chức phải phục vụ khối lượng công việc nhiều hơn 1,7 lần bình quân cả nước. Vì vậy, chỉ có cách ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng năng suất mới có thể giảm giờ làm việc.
Theo đề án chuyển đổi số TP HCM đến năm 2025 số hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 50%. Đến năm 2030, thành phố phấn đấu toàn bộ dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả di động. Ngoài ra, tất cả hồ sơ cấp thành phố, quận huyện và 95% hồ sơ cấp phường được giải quyết trên mạng. Thành phố sẽ tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, dự kiến TP HCM nằm trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động mỗi năm tăng tối thiểu 9%.
Nguồn: PV Hà An – Báo VN Express