Uncategorized @vi

XÂY DỰNG PHẦN MỀM GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT

Những công nghệ 4.0 đã mang đến cho người khuyết tật cơ hội được tiếp cận với các nguồn học liệu dễ dàng hơn, cải thiện các hạn chế liên quan đến khiếm khuyết của mình… Tuy nhiên, để xây dựng được những công nghệ phù hợp với người Việt cũng như đảm bảo ứng dụng phát triển bền vững về lâu dài, vẫn cần rất nhiều khó khăn phải vượt qua.

“Xin chào các bạn, tớ tên là An, đây là khu vườn tuyệt vời của tớ. Nơi đây có rất nhiều loài hoa đẹp. Tưới nước cho hoa nào! Nhìn hoa này! Tưới hết nước trong xô đi nào!” – Theo giọng nói hướng dẫn, các bé trong độ tuổi từ 6 đến 12 cũng thực hiện lần lượt các nhiệm vụ được giao. Những nhiệm vụ thoạt nghe rất đơn giản này là một phần trong bài tập trị liệu đầu tiên của phần mềm thực tế ảo VRapeutic nhằm hỗ trợ trẻ rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý hay khó khăn về học tập.

20220412DH002.jpg

Một buổi trị liệu bằng phần mềm thực tế ảo VRrapeutic nhằm nâng cao kĩ năng nhận thức cho trẻ tăng động giảm chú ý. Trong quá trình trẻ thực hiện nhiệm vụ, cần phải có người giám sát thông qua màn hình máy tính để đảm bảo trẻ có một môi trường trị liệu an toàn. Nguồn: Facebook Th.S Nguyễn Trọng Dần

Cụ thể, trẻ sẽ tham gia vào các hoạt động nhập vai được thiết kế mô phỏng các kĩ năng xã hội, trải nghiệm các bài tập giáo dục dưới dạng tình huống, sự kiện, hoạt động và trò chơi. “Sau khi học sinh hoàn thành hoạt động tưới nước này, những buổi sau các em sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ với cấp độ khó hơn, đi kèm với sự xuất hiện của những yếu tố gây xao nhãng như bướm, chim đậu vào bông hoa,” ThS. Nguyễn Trọng Dần (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), người tham gia triển khai nghiên cứu “Ứng dụng phần mềm thực tế ảo VRrapeutic nhằm nâng cao kĩ năng nhận thức cho trẻ tăng động giảm chú ý từ 6 đến 12 tuổi ở Việt Nam”, mô tả tại hội thảo “Công nghệ trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt” diễn ra vào tháng trước.

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi tăng hoạt động và giảm chú ý của trẻ nhiều hơn rõ rệt so với trẻ cùng tuổi và cùng giới. Trong một hội thảo về điều trị ADHD tại Việt Nam diễn ra vào năm ngoái, Ths.Bs. Nguyễn Mai Hương (Phó trưởng khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi TW) cho hay mỗi năm, khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi TW tiếp nhận khoảng 3.000 lượt trẻ khám rối loạn tăng động giảm chú ý, chiếm gần 20% tổng lượt khám. Các biểu hiện đặc trưng của trẻ là khó khăn trong duy trì chú ý, chọn lọc chú ý, dẫn tới khó khăn trong hoàn thành trọn vẹn các nhiệm vụ, bài vở. “Đồng thời trẻ hoạt động quá nhiều, thiếu kiềm chế, có tính xung động, bốc đồng nên dễ gây ra những căng thẳng trong quan hệ xã hội, hành vi không phù hợp, gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác”, bà cho biết.

So với các liệu pháp hành vi truyền thống, “khả năng ứng dụng và trị liệu của môi trường thực tế ảo hoàn toàn không giới hạn”, ThS. Dần lý giải nguyên nhân Viện muốn thử nghiệm công nghệ này. Vì sao lại không giới hạn? Thứ nhất, các tình huống sẽ được cá nhân hóa, điều chỉnh lặp đi lặp lại nhiều lần nếu lần đầu các em còn lóng ngóng chưa thể hiểu nhiệm vụ hoặc chưa thể tập trung để hoàn thành. Thứ hai, các hoạt động có thể được xây dựng dưới nhiều tình huống phong phú. Hoạt động tưới nước chỉ là một trong số các module mà Viện đang xây dựng. Ở những module khác, học sinh sẽ được xếp sách tại thư viện hoặc dùng một cây cung để bắn tất cả hộp quà trên cây thông.

Cho đến hiện tại, dù chỉ mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng VRapeutic được xem là một trong những phần mềm trị liệu ADHD hiếm hoi có phiên bản tiếng Việt. VRapeutic thực chất là một công ty khởi nghiệp thực tế ảo thuộc danh mục đầu tư của Quỹ Đổi mới UNICEF, chuyên phát triển các giải pháp trị liệu dựa trên VR. Nhà sáng lập của công ty, TS. Ahmad Al-Kabbany (Phòng thí nghiệm Hệ thống Thông minh, Đại học Ottawa, Canada) đã phối hợp với các tổ chức xây dựng những phiên bản phần mềm tại Ai Cập, Việt Nam và Canada.

“Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để dịch thuật lời thoại, ghi âm lời thoại mới, điều chỉnh cho phù hợp rồi lồng vào phần mềm”, ThS. Nguyễn Trọng Dần chia sẻ. Trẻ mắc ADHD vốn đã thiếu khả năng tập trung, nếu dùng phần mềm gốc bằng tiếng Anh hoặc dịch thuật sơ sài, ngôn từ không gần gũi, rất khó để hướng sự chú ý của các em đến nhiệm vụ cần làm.

Bên cạnh VRapeutic, tính tương thích với người Việt cũng là một trong những mặt mạnh của ứng dụng A365 – ứng dụng hỗ trợ miễn phí cho cha mẹ, cán bộ y tế, giáo viên và cán bộ chuyên môn khác thực hiện sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển và tự kỷ. Theo TS. Vũ Song Hà, Giám đốc dự án, tại Việt Nam, trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường bị phát hiện muộn do chưa có công cụ để phát hiện và sàng lọc sự phát triển của trẻ. Do đó, A365 cung cấp các bộ công cụ sàng lọc và phát hiện sớm trẻ có nguy cơ rối loạn phát triển và rối loạn phổ tự kỷ đã được xin hoặc mua bản quyền tiếng Việt.

Bên cạnh đó, khi đã nhận thức được tình trạng của con mình, “cha mẹ thường chia sẻ rằng ở nhà họ chơi với con, can thiệp với con, nhưng thực chất họ không biết nên chơi thế nào, can thiệp ra sao”, TS. Hà chia sẻ. A365 đồng thời cũng cung cấp các nguyên tắc, chiến lược chung bằng tiếng Việt giúp cha mẹ có thể can thiệp cho con tại nhà, các bài tập can thiệp và các bộ câu hỏi giúp cha mẹ tự đánh giá tình trạng chung của trẻ và các kỹ năng cụ thể khi thực hiện can thiệp cho trẻ. “Cần giúp phụ huynh hiểu bản chất các nguyên tắc và chiến lược can thiệp, cũng như làm thế nào để áp dụng các chiến lược đó vào trong cuộc sống hằng ngày”, chị nói.

Không có nguồn lực

Cho đến hiện tại, dự án thử nghiệm VRapeutic tại Việt Nam với sự tham gia của 31 trẻ ADHD đang đi đến bước phân tích những kết quả cuối cùng thông qua các buổi trị liệu. Song, điều mà ThS. Nguyễn Trọng Dần suy nghĩ nhiều nhất, đó là liệu sau khi trẻ hoàn thành các buổi trị liệu, các em sẽ có những hoạt động gì để nối tiếp? 5 kính thực tế ảo được sử dụng trong dự án là một trong những loại hiện đại nhất do UNICEF cung cấp; với những gia đình, nhà trường không đủ điều kiện mua máy này thì các em có thể trải nghiệm thực tế ảo hay không? “Chúng ta đã có giải pháp, nhưng cũng cần phải xem xét tính kinh tế nữa.”

Có giải pháp, nhưng không đủ tiềm lực tài chính để tiếp cận – nỗi băn khoăn của ThS. Nguyễn Trọng Dần thực chất không chỉ tồn tại ở những dự án trị liệu cho các dạng khuyết tật về phát triển, trí tuệ mới được quan tâm trong chục năm trở lại đây mà còn là bài toán chung với những người khuyết tật vận động, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn. Hiện tại, đã có rất nhiều chương trình phát triển phần mềm dạy học và hướng dẫn dạy học hòa nhập cho học sinh khuyết tật, phần mềm hướng dẫn học ngôn ngữ ký hiệu; song rất nhiều công nghệ hiện nay còn quá đắt đỏ so với khả năng chi trả của phần đông gia đình có người khuyết tật.

“Trước kia, khi tôi học cấp ba, tôi đã phải nhặt nhạnh khắp Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để có được bộ sách giáo khoa cơ bản chữ nổi”, bà Đào Thu Hương, một người khiếm thị hiện đang làm việc tại UNDP Việt Nam, cho biết. “Nguồn sách chữ nổi lúc bấy giờ cực kỳ khan hiếm. Cho tới thời điểm hiện tại, tình hình vẫn chưa được cải thiện”. Để giảm thiểu hạn chế này cũng như độ cồng kềnh của một quyển sách chữ nổi, rất nhiều những thiết bị đa phương tiện số hóa chữ nổi đã ra đời. Những chiếc máy nhỏ gọn này tích hợp hàng ngàn quyển sách với hình ảnh, văn bản và âm thanh được đồng bộ hóa, người khiếm thị có thể đọc sách, lướt duyệt qua các mục, đánh dấu sách, xuất sách ra thành dạng chữ nổi trên màn hình. “Song hiện nay chỉ một số gia đình đủ điều kiện mới mua được chúng”.

Theo bà Hương, ở các nước phát triển, những thiết bị này được chính phủ trợ giá đến 90% nên người khiếm thị có thể mua với mức giá 10% hoặc được mượn lâu dài để phục vụ cho công việc của mình. “Ngoài ra, các thư viện quốc tế cũng liên kết với nhau để chuyển đổi số chữ nổi, tiết kiệm nguồn lực nhất có thể.” Là người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Đức Minh (Viện Khoa học Giáo dục) đưa ra so sánh về chi phí đầu tư ban đầu và giá trị thu được, “nếu một cuốn sách chữ nổi tốn khoảng 8 đến 16 triệu thì các thiết bị đa phương tiện cần kinh phí từ 30 đến 40 triệu. Dĩ nhiên, việc đầu tư ban đầu cho những sản phẩm này sẽ tốn kém nhưng về lâu dài sẽ mang lại kết quả tích cực cho người sử dụng.” Câu nói của ông hàm ý đến một tương lai, khi những trẻ em được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết và các kiến thức cần thiết trưởng thành, các em sẽ có thể tự chủ nhiều hơn trong một xã hội 4.0. Như vậy, xã hội sẽ không phải tốn nhiều nguồn lực để chăm sóc những công dân đặc biệt này.

Nếu xét riêng kinh phí chuyển đổi cho một loại sách cơ bản như sách giáo khoa cũng không hề nhỏ. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, “chúng tôi [Viện Khoa học Giáo dục] hiện đang phụ trách chuyển đổi sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 thành chữ nổi cho học sinh khiếm thị, song chúng tôi không có kinh phí từ nhà nước mà phải vận động nguồn xã hội hóa.” Hiện tại, đã có một doanh nghiệp hỗ trợ Viện chuyển đổi, nhưng Viện đang loay hoay chưa biết lấy kinh phí từ đâu để tiếp tục làm sách giáo khoa lớp 3, 7, 10. “Vì lẽ đó, các văn bản pháp luật thời gian tới cần nêu rõ những quy định cụ thể về nguồn lực tài chính, trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến hỗ trợ cho người khuyết tật”, ông nhấn mạnh.

Với “dự án điểm” như A365, vấn đề kinh phí trước mắt đã được giải quyết bởi nguồn tài trợ của các tổ chức Grand Challenges Canada (nhà tài trợ chính), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và một số nhà tài trợ quốc tế khác. Theo nhiều cách, dự án này cũng đã xây dựng được một nền tảng vững, đi vào hoạt động ổn định và vẫn đang tiếp tục mở rộng phát triển thêm. Hiện A365 đã cung cấp hơn 200.000 lượt sàng lọc cho trẻ và có 6500 phụ huynh dùng ứng dụng để cung cấp can thiệp cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, với những dự án công nghệ mới nổi cần nhiều vốn đầu tư như VRrapeutic, nếu không có hướng đầu tư đúng đắn, rất có thể dự án sẽ chỉ dừng lại, giới hạn mức độ sử dụng ở một vài trung tâm có điều kiện mua thiết bị chứ không thể phát triển rộng rãi trên nhiều địa phương.

Có lẽ, với những công nghệ mà đích đến là những người sử dụng đặc biệt, cần có những cơ chế đặc biệt để nó có thể được lan tỏa. Theo cách đó, việc đưa ra quy định cụ thể về tài chính sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số, mở rộng những chương trình trị liệu hiện tại dành riêng cho người Việt, mà còn mở ra cơ hội mới cho những dự án công nghệ mới nổi cần nhiều vốn đầu tư trong tương lai. “Cần hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật sao cho tốt hơn. Các em học sinh khuyết tật vốn đã gặp rất nhiều khó khăn rồi, không nên để các em chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa”, PGS.TS Nguyễn Đức Minh kết luận.

Nguồn: Anh Thư – khoahocphattrien.vn

Xem thêm tại: https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/xay-dung-phan-mem-giao-duc-dac-biet-3140fba3-90f4-43e7-ab78-7738e211e95d

Share This