TIN KHOA HỌC

“TỪ ĐIỂN” GIÚP HIỂU TIẾNG LỢN

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) phát triển phương pháp mới giúp phiên dịch tiếng lợn kêu.

Hiểu được cảm xúc của động vật có thể giúp con người chăm sóc chúng tốt hơn. Để xây dựng “từ điển” tiếng lợn, Elodie Briefer nhà nghiên cứu hành vi động vật tại Đại học Copenhagen cùng các đồng nghiệp đã ghi lại hơn 7.400 âm thanh từ 411 con lợn và theo dõi trải nghiệm sống của chúng từ khi sinh ra đến lúc chết . Tiếp theo, nhóm nghiên cứu liên hệ các tiếng kêu khác nhau với những hoạt động và ngôn ngữ cơ thể của lợn nhằm tìm ra điểm khác biệt và xác định cảm xúc tương ứng.

Lợn có cảm xúc tích cực khi cho con bú, đoàn tụ với gia đình, âu yếm bạn bè cùng lứa và chạy nhảy tự do. Cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong các tình huống như bị cô lập xã hội, đánh nhau, triệt sản và chờ đợi trong lò mổ.

“Có sự khác biệt rõ ràng trong tiếng lợn kêu khi chúng ta xem xét các tình huống tích cực và tiêu cực. Trong tình huống tích cực, các tiếng kêu ngắn hơn rất nhiều với những biên độ dao động nhỏ. Cụ thể, tiếng kêu bắt đầu ở mức cao và dần giảm xuống tần số thấp hơn. Bằng cách thiết lập một thuật toán để nhận ra những âm thanh này, chúng tôi có thể phân loại chính xác 92% tiếng kêu theo cảm xúc”, Briefer cho biết.

Nghiên cứu mới nằm trong dự án SoundWel nhằm giúp các chuyên gia theo dõi và nâng cao sức khỏe của lợn bằng cách giảm căng thẳng, đồng thời khuyến khích những cảm xúc tích cực. Briefer cho biết thêm, họ có thể sẽ phát triển thuật toán thành một ứng dụng cho nông dân. Đây sẽ là một bước tiến lớn giúp con người có thể hiểu được tiếng lợn.

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm 7/3.

Nguồn: Anh Phương (CESTI) – Theo Cnet

Xem thêm tại: https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS6/tu-dien-giup-hieu-tieng-lon-7b402436-7f0d-4ecb-93f4-a4986cf234ec

Share This