Chúc mừng sản phẩm “Nui khoai mỡ bổ sung protein thực vật” của nhóm tác giả Phùng Võ Hưng Phát, Trần Anh Vũ, Nguyễn Thị Kim Ngân và Phạm Thị Hương đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã đạt giải Nhất bảng “Giải pháp công nghệ trong chế biến”; và đề tài “Chế phẩm chitosan được thu nhận với sự hỗ trợ của dung môi DES và sóng siêu âm” của nhóm tác giả Nguyễn Tấn Đạt, Huỳnh Lê Thanh Ngân, Nguyễn Dương Thiên Tú, Trần Thị Thúy An và Đặng Huỳnh Anh đến từ Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt giải Nhất bảng “Giải pháp công nghệ trong bảo quản” tại cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2023.
Sáng nay ngày 02/12/2023, tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2023. Cuộc thi do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ tổ chức và Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đăng cai tổ chức.
Đến tham dự có GS.TS Đống Thị Anh Đào – Giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM; TS. Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh; Đ/c Trần Đức Sự – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ và các thầy, cô trong Hội đồng khoa học, đại diện các trường có thí sinh dự thi và 35 tác giả, nhóm tác giả xuất sắc nhất vào vòng Chung kết của Cuộc thi.
Cuộc thi được tổ chức ở 2 bảng: Bảng A – Các đề tài, giải pháp công nghệ trong chế biến; Bảng B – Các đề tài, giải pháp công nghệ trong bảo quản. Với sự tham gia của 57 đề tài, sản phẩm đến từ các trường đại học và đơn vị tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác.
Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 6 giải khuyến khích và 1 giải đề tài được bình chọn nhiều nhất cho những sản phẩm, đề tài xuất sắc tham gia cuộc thi năm nay.
Cuộc thi được tổ chức nhằm giới thiệu, triển lãm các công trình nghiên cứu, những ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch; Đồng thời tạo sân chơi giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, sản phẩm mang tính đột phá có khả năng áp dụng vào đời sống để giải quyết những vấn đề hiện hữu trong ngành nông nghiệp, lương thực – thực phẩm.