Hàng trăm máy tính cũ được tân trang để dành tặng học sinh khó khăn trong chương trình “Máy tính cũ, tri thức mới” của Thành đoàn TP HCM.
Chiều cuối tuần, phòng học rộng chừng 60 m2 trong khuôn viên trường Đại học Tài chính Marketing (quận Phú Nhuận) ngổn ngang CPU, màn hình, chuột, bàn phím… Dưới sự hướng dẫn của Lưu Hoàng Anh Khôi, cán bộ Thành đoàn TP HCM, hơn 10 sinh viên ngành công nghệ thông tin bắt đầu công việc sửa chữa máy tính cũ.
Vừa khởi động máy, Trần Quang Huy (19 tuổi), sinh viên ngành công nghệ phần cứng máy tính, Cao đẳng Lý Tự Trọng, vừa nghe những tiếng tích tích. Phán đoán ram máy có vấn đề, Huy lấy trong túi đồ nghề dụng cụ tháo thùng CPU, tháo thanh ram lau chùi bề mặt. Khởi động lại, máy không còn tiếng kêu nhưng hệ điều hành bị lỗi, không lên được. Huy dùng tiếp ổ cứng di động, chép chương trình Windows 7 để cài cho máy. Sau khoảng 30 phút thao tác, chiếc máy cũ được “tái sinh”.
Lần đầu tình nguyện tham gia chương trình, nhưng Huy được các bạn xem là trưởng nhóm vì khả năng am hiểu phần cứng, phần mềm máy tính. Trong túi đồ nghề, ngoài ổ cứng di động, các dụng cụ tháo lắp, Huy còn trang bị thêm đồng đồ vạn năng, pin, dây kiểm tra nguồn… để xử lý cho mọi tình huống. “Mình thích máy tính từ khi học lớp 6. Tham gia chương trình cũng là cơ hội để mình rèn luyện tay nghề, giúp được các em nhỏ cần máy, vậy thì còn gì bằng”, Huy nói và đặt quyết tâm sửa chữa bằng được các máy tính bị hỏng còn lại.
Khi hoạt động ổn định, máy tính sẽ được chuyển tiếp qua nhóm sinh viên khác làm vệ sinh, thổi bụi, đóng gói, bọc nilong để đưa vào thùng.
Trần Minh Quý, 20 tuổi, sinh viên Cao đẳng Lý Tự Trọng cho biết, máy tính sau khi chạy ổn định sẽ được kiểm tra, cài lại hệ điều hành và các chương trình phục vụ học trực tuyến. “Những máy bị hỏng ổ cứng, ram… sẽ được thay thế linh kiện tương thích từ các máy khác. Nếu không có, sẽ phải mua linh kiện để thay”, Quý nói.
Hiện tại, nhóm Quý, Huy và các thành viên khác đang sửa khoảng 50 máy do trường Đại học Tài chính Marketing ủng hộ cho chương trình “Máy tính cũ, tri thức mới” của Trung tâm phát triển Khoa học Công nghệ trẻ, Thành đoàn TP HCM tổ chức từ năm 2013. Đơn vị sẽ kêu gọi tiếp tài trợ máy tính cũ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, sau đó sửa, tân trang để trao tặng lại cho các em học sinh nghèo học tập.
Trong 8 năm triển khai, chương trình đã trao tặng hơn 1.000 bộ máy vi tính, trong đó có 10 phòng máy cho học sinh và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Tháp, Bình Phước…
Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu cần máy tính học trực tuyến của học sinh rất lớn, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ đã kêu gọi hơn 200 máy tính từ các đơn vị tài trợ. Từ đầu tháng 10 đến nay, đơn vị đã trao tặng 50 máy tính cho các em học sinh nghèo, kèm các thiết bị hỗ trợ học trực tuyến như camera, tai nghe có mic…
Mã Vĩ Đức, lớp 6 trường THCS Lý Phong, quận 5, là một trong những học sinh vừa được trao tặng máy tính trong tháng 10 vừa qua. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn khi cha làm bốc vác ở chợ, mẹ làm giúp việc gia đình. Do ảnh hưởng của Covid-19, cha em phải nghỉ việc nhiều tháng, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mẹ. “Có máy tính, việc học của con dễ hơn, vì trước đây con học trên điện thoại, màn hình nhỏ lắm, nhìn vào lâu là bị đau mắt. Con rất cảm ơn các cô chú, các anh chị đã cho con có máy tính”, Đức chia sẻ.
Theo ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ trẻ, máy tính sẽ được ưu tiên trao tặng những em nhỏ gia đình không đủ điều kiện kinh tế, các em hiện học trực tuyến bằng điện thoại của người thân. Trong quá trình sử dụng, máy trục trặc, đội tình nguyện viên sẽ trực tiếp đến nhà sửa chữa, hoặc đổi miễn phí máy khác cho các em.
“Chương trình năm nay do ảnh hưởng của dịch, việc đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tấm lòng của các đơn vị tài trợ đồng cảm với các em học sinh. Mong rằng thời gian tới chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa để có nhiều em nhỏ được tiếp cận với máy tính, giúp cho việc học tốt hơn”, ông Thành nói.
Nguồn: PV Hà An – Báo VN Express