HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC HỘI NGHỊ - HỘI THẢO Uncategorized @vi

HỘI THẢO KHOA HỌC AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ AN NINH LƯƠNG THỰC LẦN 7 NĂM 2023

Hội thảo Khoa học An toàn thực phẩm và An ninh lương thực lần 7 năm 2023 đã diễn ra vào lúc 13g30 ngày 25/8/2023 tại Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh (140 Lê Trọng Tấn, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh lương thực, các thầy cô giảng viên, học viên cao học, sinh viên, cán bộ đoàn viên ưu tú, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Đối tượng tham gia Hội thảo là các nghiên cứu viên trẻ, nhà khoa học, giảng viên trẻ và sinh viên của các trường, viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong toàn quốc. Hội thảo đã nhận về 70 bài tham luận của 146 tác giả đến từ 32 đơn vị trên cả nước. Bên cạnh các nghiên cứu mới về vấn đề nông nghiệp, thực phẩm và an ninh luong thực, một số bài tham luận tham gia Hội thảo An toàn thực phẩm và An ninh lương thực lần 7 năm 2023 còn đề cập các vấn đề hiện nay như các nghiên cứu về an toàn thực phẩm, tình hình an ninh lương thực trong và ngoài nước trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.

Chương trình Hội thảo gồm 3 phần chính: 

Phần 1: Phiên Hội thảo toàn thể

Tìm hiểu các vấn đề về dinh dưỡng, thực phẩm, lương thực tại Việt Nam và trên thế giới, định hướng phát triển lương thực bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số và lập kế hoạch hợp tác nghiên cứu về các chủ đề có liên quan. Thực trạng và vấn đề về sản xuất thực phẩm và xu hướng nhu cầu tiêu dùng, sử dụng thực phẩm hiện nay.

Phần 2: Phiên trình bày poster

Các bài tham luận được Hội đồng khoa học lựa chọn sẽ trình bày poster về chủ đề thực phẩm, dinh dưỡng và lương thực.

Phần 3: Phiên báo cáo chuyên đề

Các bài tham luận có nội dung tốt sẽ được Hội đồng khoa học chọn báo cáo chuyên đề theo các tiểu ban với nội dung như: giải quyết các thách thức của Việt Nam và thế giới, đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng trong công nghệ chế biến, an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ công nghệ sinh học, khống chế và kiểm soát các mầm bệnh từ lương thực thực phẩm, gia tăng các giá trị dinh dưỡng từ các sản phẩm nông nghiệp.

Hội đồng khoa học đã chấm sàn lọc và quyết định trao 12 giải trong đó có 6 giải poster, 2 giải nhất 2 giải nhì, 2 giải ba:

2 Giải nhất:

Nhóm tác giả Lê Thế Trung, Phạm Văn Phú, Nguyễn Đỗ Huy, Huỳnh Nam Phương với đề tài Hiệu quả của mô hình sản xuất và tiếp thị thức ăn bổ sung tại địa phương tới an ninh thực phẩm hộ gia đình có con dưới 2 tuổi tại một số tỉnh miền núi phía Bắc – Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định;

Nhóm tác giả Phan Thị Hồng Liên, Trần Ngọc Đào, Nguyễn Hoàng Lan, Nguyễn Minh Hưng với đề tài Phân lập, định danh và tuyển chọn chủng nấm mốc có khả năng sinh hoạt độ protease cao từ hạt sen isolation, identification and selection of mold strains with high protease activity from lotus seeds – Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh

2 Giải nhì:

Nhóm tác giả Trần Linh Huân, Mai Thị Thủy, Lê Phạm Anh Thơ với đề tài Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm dưới khía cạnh chính sách pháp luật và một số giải pháp đặt ra trong bối cảnh hiện nay – Câu lạc bộ Các nhà Khoa học Trẻ TP. Hồ Chí Minh

Nhóm tác giả TS. Lê Thị Hồng Thúy, TS. Nguyễn Thị Lương, Quách Tấn Năng với đề tài Đặc tính hóa lý của tinh bột hạt mít Carboxymethyl cross-link ứng dụng làm tá dược rã trong thuốc viên nén – Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh

2 Giải ba:

Nhóm tác giả Phạm Hồng Sơn, Tăng Kim Anh Tính với đề tài Tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đến an ninh lương thực của Việt Nam – Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh

Nhóm tác giả Phạm Hiếu Kiên, Vũ Hoàng Hương Giang với đề tài Nghiên cứu hiệu quả phun Salicylic Acid tiền thu hoạch lên khả năng chống chịu tổn thương lạnh của trái xoài cát chu (Mangifera indica l.) trong quá trình bảo quản – Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ Nông Nghiệp, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh


Share This