Streptococcus agalactiae bằng thảo dược trên cá rô phi giống nuôi tại TP.HCMLà nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thuỷ sản Nam Bộ chủ trì thực hiện, ThS. Đoàn Văn Cường làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2021.Trên cá rô phi, bệnh lồi mắt, xuất huyết thường xuất hiện vào mùa mưa và các tháng giao mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, với tỷ lệ chết cao (gần như 100% từ khi phát hiện bệnh), gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người nuôi. Bệnh được xác định là do vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây ra.
Vi khuẩn Streptococcus agalactiae được biết đến là tác nhân gây bệnh và gây chết nghiêm trọng trên nhiều loài cá nước ngọt và nước mặn như cá hồi vân, cá rô phi, cá cam, cá da trơn, cá phèn, cá chim.Hiện nay, giải pháp phổ biến để phòng trị bệnh nhiễm khuẩn trên cá là sử dụng kháng sinh hay hóa chất. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất trong động vật thủy sản có thể gây hại cho môi trường và cho người tiêu thụ.Vì vậy, các nhà khoa học đang tìm kiếm các giải pháp thay thế (vaccine, probiotic…) trong việc kiểm soát bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản. Thời gian gần đây, việc sử dụng thảo dược trong phòng trị bệnh nhiễm khuẩn đang ngày càng trở nên phổ biến do không gây nên hiện tượng kháng thuốc và đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với con người.Đề tài nêu trên được thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tính bền vững của nghề sản xuất giống cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) tại TP.HCM thông qua việc sử dụng các dịch chiết thảo dược trong phòng bệnh, giúp nâng cao tỉ lệ sống và tính đề kháng bệnh của cá nuôi.
Theo đó, đề tài xác định được bệnh lồi mắt, xuất huyết trên cá rô phi ở TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long chủ yếu do vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây ra. Qua khảo sát chiết xuất thảo dược bằng 2 phương pháp sử dụng dung môi ở nhiệt độ cao và phương pháp ngấm kiệt cho thấy chiết xuất thảo dược bằng phương pháp ngấm kiệt thảo dược có kết quả tốt hơn, dễ thực hiện. Đồng thời xác định được loại thảo dược quế tách chiết bằng ethanol 96% với tỉ lệ 1:30 có khả năng ức chế và diệt khuẩn Streptococcus agalactiae tốt. Dịch chiết thảo dược này được bổ sung vào thức ăn của cá rô phi giúp cho cá hạn chế bị bệnh lồi mắt, xuất huyết.Cụ thể, khả năng kháng khuẩn đối với vi khuẩn Streptococcus agalactiae CC- 2.1 của cao quế (hàm lượng cinnamicaldehyde 200µg/đĩa) cho đường kính vòng kháng khuẩn 19,48 ± 1,45mm, gần bằng với đường kính vòng kháng khuẩn 20,25 ± 0,48mm của kháng sinh Doxycycline (có hàm lượng 30µg/đĩa). Khả năng ức chế và diệt khuẩn đối với 2 mẫu vi khuẩn Streptococcus agalactiae CC-2.1 và Q9-8.1 (mật độ 5 x 103 CFU/ml) của cao chiết quế (cinnamicaldehyde) có giá trị MIC = 62,50µg/ml, MBC = 250µg/ml.Thức ăn cho cá rô phi giống có trộn thảo dược cao quế ở hàm lượng 20g dược liệu thô/kg thức ăn (hàm lượng cinnamicaldehyde 130mg/kg thức ăn) có khả năng bảo vệ cá rô phi gây nhiễm bởi S. agalactiae với giá trị RPS = 51,4%. Thức ăn cho cá rô phi giống có trộn thảo dược cao quế ở hàm lượng 20g dược liệu thô/kg thức ăn (cinnamicaldehyde 116,8 ± 1,4mg cinnamicaldehyte/kg thức ăn) có khả năng tăng tỉ lệ sống và hạn chế bị bệnh lồi mắt, xuất huyết.Từ các kết quả này, đề tài đã xây dựng quy trình chiết xuất dược liệu quế bằng phương pháp chiết xuất ngấm kiệt ở quy mô pilot; quy trình phòng trị bệnh xuất huyết, lồi mắt trên cá rô phi giống sử dụng cao quế trộn vào thức ăn.
Đồng thời phát triển mô hình nuôi cá rô phi giống giảm thiểu các bệnh nhiễm khuẩn (bệnh xuất huyết, lồi mắt), thông qua việc sử dụng dịch chiết thảo dược bổ sung vào thức ăn. Việc sử dụng thảo dược trộn vào thức ăn không chỉ giúp phòng bệnh trên động vật thủy sản mà còn tạo ra sản phẩm có tính an toàn cho người sử dụng. Các thảo dược sử dụng trong nghiên cứu này là dạng dễ kiếm, giá thành thấp và dễ sử dụng.
Nguồn: Lam Vân (CESTI)
Xem thêm tại: https://cesti.gov.vn/…/nghien-cuu-phong-tri-benh-do…
#1ngay1ytuong