ANH – Nhóm nghiên cứu tại Đại học Leeds phát triển robot dài mảnh có thể di chuyển linh hoạt trong ống phế quản, giúp điều trị cho người mắc bệnh phổi.
Mô hình cây phế quản kích thước giống thật và robot xúc tu từ tính. Ảnh: Đại học Leeds
Phổi người giống như một mê cung và các ống phế quản rất chật hẹp. Đi qua chúng để thực hiện các thao tác y tế là công việc cực kỳ tinh tế và đầy thử thách. Nhóm nghiên cứu dẫn dắt bởi các chuyên gia tại Đại học Leeds (Anh) phát triển “robot xúc tu từ tính” có thể lái qua một số ống phế quản nhỏ nhất. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Soft Robotics hôm 21/3.
“Robot xúc tu hay ống thông từ tính có kích thước 2 mm. Hình dạng của chúng có thể được điều khiển bằng từ tính để tương thích với cây phế quản. Chúng có thể tiếp cận phần lớn các khu vực của phổi và sẽ là công cụ lâm sàng quan trọng trong việc nghiên cứu và điều trị ung thư phổi cũng như các bệnh phổi khác”, Pietro Valdastri, chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Robot trong Y học thuộc Đại học Leeds, cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng bản sao 3D của cây phế quản để kiểm tra robot xúc tu từ tính. Bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm thiết bị trong phổi của một tử thi trước khi thử nghiệm trên bệnh nhân sống. Đại học Leeds cho biết, công nghệ mới có thể cần thêm vài năm để phát triển hoàn thiện trước khi đưa vào sử dụng trong bệnh viện.
Nguồn: Thu Thảo (Theo Cnet)
Xem thêm tại: https://vnexpress.net/robot-xuc-tu-chui-trong-phoi-nguoi-4441738.html