Sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda là loài sâu hại đa thức ăn trên 360 loại thực vật gồm cây trồng và cỏ dại. Loài sâu hại này có nguồn gốc từ châu Mỹ đã lây lan sang hơn 30 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, sâu keo mùa thu gây hại nghiêm trọng ở nhiều vùng sản xuất ngô trong nước.
Từ thực tế đó, nhóm sinh viên Nguyễn Văn Tôn, Nguyễn Tiến Hưng, Vũ Thị Hà, Phan Thị Thanh Mai, Nguyễn Văn Huy đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài nghiên cứu xác định nòi sinh học và tạo mồi, kiểu bẫy pheromone đặc hiệu phòng chống sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda (J. E. Smith) gây hại cây ngô tại Việt Nam được tiến hành.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích phả hệ đã chia các mẫu sâu keo mùa thu tại Việt Nam thành 02 nhóm đặc trưng cho nòi R và nòi C với giá trị boostrap tin cậy (99%). Kết quả phân tích phả hệ này đồng nhất với kết quả phân tích vị trí enzyme cắt giới hạn và vị trí các nucleotide đặc trưng cho hai nòi sinh học ở trên. Từ đó nhóm xác định sâu keo mùa thu tại Việt Nam gồm có hai nòi sinh học là nòi C và nòi R.
Từ kết quả phân tích nòi sinh học của sâu keo mùa thu tại Việt Nam, nhóm sinh viên đã thực hiện công thức tạo mồi và kiểu bẫy pheromone đặc hiệu đối với sâu keo mùa thu. Thí nghiệm xác định công thức mồi, kiểu bẫy và thí nghiệm xác định màu sắc bẫy pheromone có khả năng thu bắt trưởng thành đực sâu keo mùa thu trên đồng ruộng được tiến hành trên diện tích khu ruộng 1 ha trồng giống ngô CP512. Trong khu ruộng thí nghiệm, bẫy pheromone được bố trí xếp thành 3 hàng song song, hàng cách hàng 40 m, bẫy cách bẫy 20 m và cách bờ ít nhất 10 m. Công thức mồi pheromone bố trí lặp lại 3 lần. Bẫy pheromone treo trên cọc gỗ cách mặt đất 1,2-1,5 m. Thời gian tiến hành đặt bẫy là vào ngày gieo hạt. Thời gian theo dõi trưởng thành đực vào bẫy trên đồng ruộng trong 30 ngày. Trưởng thành đực sâu keo mùa thu và các loài khác được thu, đếm và cho vào túi nilon theo từng bẫy của từng công thức mồi và lần lặp.
Nghiên cứu đã xác định được 3 công thức mồi pheromone cho hiệu quả cao trong việc thu hút sâu keo mùa thu. Bẫy pheromone tự thiết kế từ hộp nhựa 2 lít cắt ô cửa sổ (5x5cm) màu vàng thu bắt được số lượng trưởng thành đực cao nhất 209 con so với các bẫy tự thiết kế khác sau 30 ngày theo dõi.
Nhóm sinh viên đã tạo ra mồi pheromone đặc hiệu cho sâu keo mùa thu và xác định được kiểu bẫy có khả năng thu bắt cao trưởng thành đực trên đồng ruộng. Kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học để tiếp tục nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái học, biện pháp quản lý sâu keo mùa thu, đồng thời đề xuất áp dụng bẫy pheromone như một biện pháp trong quản lý và dự tính dự báo Sâu keo mùa thu tại Việt Nam.
Đề tài nghiên cứu của nhóm đã đạt giải nhất, lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học Euréka lần 23 năm 2021