Yêu thương thành phố
SGGP Thứ Bảy, 31/7/2021 06:22“Bà tôi mất tại bệnh viện sáng 26-7, trong lúc đang đi thực hiện nhiệm vụ phun xịt khử khuẩn ở quận 5. Tôi hay tin ngoại qua đời, trên tay vẫn còn cầm vòi phun và nước mắt cứ thế tuôn ra…”, Vũ Âu Chí Bảo (ngụ quận 1, TPHCM), thành viên biệt đội phun xịt khử khuẩn phản ứng nhanh (thuộc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ), xúc động chia sẻ với chúng tôi.
Phạm Thị Anh Tú, thành viên nữ của biệt đội phun xịt khử khuẩn phản ứng nhanh
1. Trong buổi chiều 26-7, sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ cho bà, đến sáng 27-7, Chí Bảo vẫn sẵn sàng khoác đồ phòng hộ, tiếp tục công việc cùng nhóm phun khử khuẩn. “Lúc này càng buồn thì càng phải giữ tinh thần mình bình tĩnh, cùng mọi người chung tay chống dịch”, Chí Bảo kể nhẹ tênh, dẫu ánh mắt bạn vẫn còn chất chứa nỗi buồn.
Trong những cơn mưa chiều như trút nước ở TPHCM, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh xúc động về nhóm bạn trẻ mặc đồ bảo hộ, choàng tay nhau trên một chiếc xe bán tải cho đỡ lạnh. Hẳn là tình huống không khuyến khích trong ngày thường, nhưng những ngày mà số ca mắc Covid-19 lên đến 4 con số, thì khó có thể đòi hỏi sự chu đáo vẹn toàn hơn được…
Trong nhóm bạn trẻ choàng tay giữ ấm cho nhau đó có Vũ Âu Chí Bảo, Chí Bảo nhớ lại: “Tôi nhớ hôm đó mưa lớn và lạnh, chúng tôi ngồi sát lại cho thật chắc, rồi choàng tay ôm nhau cho đỡ lạnh và giữ an toàn”.
Trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ y bác sĩ ngày đêm túc trực ở khu điều trị, một tuyến đầu bên ngoài là các tình nguyện viên. Họ sẵn sàng kiêm những công việc khác nhau theo sự điều động ở các địa phương. Việc mang vác các bình phun xịt khử khuẩn hẳn là phù hợp với sức con trai, vì nặng cả 30 – 40kg, nhưng Phạm Thị Anh Tú (ngụ TP Thủ Đức) vẫn không nề hà.
Tú chia sẻ: “Tôi thương thành phố mình nhiều. Tôi không có chuyên môn y tế, nhưng có thể làm các việc khác để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Thời gian đầu, chưa quen đúng là có cực và mệt, nhưng vài ngày là quen ngay, có những lúc phải leo lầu hay đi bộ quãng đường phun xa vẫn chịu được, đến khi không còn dung dịch khử khuẩn thì thôi, nhưng nếu có người đi theo để châm tiếp thì tiếp tục hành trình để hoàn thành nhiệm vụ”.
2. Dáng người mảnh mai và hay bệnh vặt nhất nhà, nên gia đình khá lo lắng khi Nguyễn Thị Liên (ngụ huyện Nhà Bè) đăng ký làm tình nguyện viên.
Ba mẹ ở quê nhà An Giang, ngày nào cũng gọi và nhắc chừng con gái về nhà, nhưng Liên nhất định: “Tôi nghĩ nếu mình về quê trong thời gian này, mình sống yên ả hẳn, nhưng TPHCM nơi cho tôi nhiều kỷ niệm, học tập, công việc đang cần tình nguyện viên. Những người trẻ như tụi mình giúp chút sức nhỏ thì có là gì đâu. Tôi giải thích để ba mẹ hiểu và quyết định ở lại thành phố”.
Nhìn số ca mắc Covid-19 tăng mỗi ngày, Liên quyết định đăng ký làm tình nguyện viên. “Ban đầu, tôi trực ở những nơi bị phong tỏa, giúp mọi người vận chuyển nhu yếu phẩm vào cho người dân và nhận hàng khi người thân họ gửi vào… Sau đó, tôi đăng ký những công việc nặng nhọc hơn. Những ngày đầu chuyển sang điều phối lấy mẫu tách F0 và nơi phong tỏa, tôi cũng có chút cảm giác lo lắng và càng lo lắng thì càng phải cẩn thận. Mỗi ngày xong việc là tôi gọi video về nhà nói chuyện để ba mẹ yên tâm”, Liên kể thêm.
Làm tình nguyện viên là sẵn sàng kiêm đủ thứ công việc không tên, bộ phận nào cần hỗ trợ là có mặt liền. Liên chia sẻ: “Tôi chỉ sợ mình không làm tốt công việc, sẽ không được làm tình nguyện viên nữa, điều đó đáng lo hơn chuyện phải hỗ trợ ở những nơi có F0”.
3. Những chuyến xe đưa người dân Bình Định ở TPHCM về quê tránh dịch để giảm bớt áp lực cho thành phố lúc này, đâu đó có những giọt nước mắt. Cũng quê ở Bình Định, nhưng Võ Thị Trà My (ngụ quận Gò Vấp) từ chối chuyến xe về nhà, ở lại TPHCM tham gia làm tình nguyện viên.
Sau một ngày hỗ trợ nhập liệu ở điểm lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, Trà My trở về phòng trọ và gọi video cho gia đình, đầu dây bên kia là những lời hỏi thăm dồn dập cùng sự lo lắng cho con gái. Bên này, Trà My tươi cười: “Ba mẹ đừng lo, tụi con mặc đồ bảo hộ và sát khuẩn kỹ lắm, làm việc gì cũng cẩn thận hết. Khi nào thành phố hết dịch con sẽ về nhà liền, về nhà ăn cơm mẹ nấu. Ba mẹ yên tâm, đừng lo lắng gì nha, con khỏe lắm!”.
Tắt điện thoại, cô gái trẻ chợt rơi nước mắt vì nhớ nhà: “Vì dịch, nên từ tết đến giờ tôi chưa được về nhà. Mà ai cũng vậy chứ đâu riêng gì mình, nên phải cùng nhau cố gắng. Tôi còn trẻ, có thể làm được việc này việc kia nên ở lại cùng TPHCM lúc này, ở đâu cũng cần tình nguyện viên hỗ trợ mà”.
Những ngày này, nghĩa tình khắp nơi gửi về TPHCM và cũng có nghĩa tình của những người ở lại để cùng thành phố chống dịch. Trong cuộc chiến chống dịch, vất vả nhất vẫn là những chiến sĩ áo trắng. Nhưng bên cạnh tuyến đầu ấy, còn có một tuyến đầu bên ngoài các khu điều trị… Họ sẵn sàng nhận mọi phần việc được giao, để giảm bớt áp lực chung. Mỗi sự chung tay, sẻ chia lúc này đều xứng đáng được ghi nhận.