Xin giới thiệu cùng mọi người bài viết chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của một sinh viên Khoa kinh tế - ĐHQG TPHCM. Tác giả là Trần Diệu Hằng, sinh viên năm 3 với đề tài nghiên cứu về "Loại hình hàng rong ở TPHCM"
Gian nan chặng đường NCKH
Ấp ủ đề tài từ một gợi ý của thầy hướng dẫn, nhóm nghiên cứu đã đăng ký đề tài từ đầu học kỳ 2 (năm học 2006 – 2007). Thế nhưng sau đó, cũng như bao bạn sinh viên khác, các thành viên của nhóm bị cuốn đi bởi các đề tài nhóm, các lớp khóa học AV, tin học,… Hơn nữa, cả 3 thànhviên của nhóm đều là cán bộ Đoàn, cán bộ lớp nên còn phải tổ chức các đợt ăn chơi theo chủ điểm cho lớp, lo lắng mọi mặt cho lớp như bất cứ người cán bộ nào. Chính vì vậy mà trong giai đoạn đầu, nhóm có rất ít thời gian cho đề tài. Phải vất vả lắm, quyết tâm lắm thì mới vượt lên (vượt lên, chứ không hề chạy trốn) “mớ bùng nhùng” ấy để duy trì và hoàn chỉnh đề tài đấy các bạn ạ.
Giai đoạn 2 của đề tài bắt đầu khi cả nhóm bước vào kế hoạch điều tra số liệu sơ cấp. Đây là giai đoạn gian khổ nhưng cũng thú vị nhất của đề tài. Với đặc điểm là nghiên cứu loại hình hàng rong nên nhóm phải nghĩ ra cách tiếp cận rất đặc biệt để thu thập được thông tin. Các bạn biết đó, hàng rong thì phải đi rong, nếu cứ lẽo đẽo theo hỏi thì chẳng những không hỏi được mà còn bị nghe chửi nữa. Thế là cả bọn quyết định trước khi hỏi thông tin của một người bán rong thì sẽ ăn hàng của họ, không ghi bảng hỏi tại chỗ mà hỏi chuyện như những kẻ nhiều chuyện (!!!). Phương án này là khá thuận lợi vì tạo được cảm tình với họ, do đó họ khá cởi mở và tâm sự khá thân tình với nhóm. Nhưng chính vì cách tiếp cận này mà nhóm mình bị “viêm màng túi” dài dài trong suốt thời kỳ nghiên cứu…
Suốt những ngày tháng nghiên cứu sơ cấp, cả bọn rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố bằng “xe zép” (đi bộ). Lúc đầu là đi, lúc sau là… “lết”. Không biết các bạn có tin không, chứ nhóm mình ngày nào cũng “walking” từ đông sang tây thành phố. Chân đứa nào cũng lẹt quẹt vì đau và mỏi. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nắng nôi, đen đủi như… “ma chơi”. Còn vấn đề ăn uống thì khỏi nói. Ăn uống ngập mặt, toàn những thứ “tạp pílù”. Lúc thì vừa ăn kem rong xong chạy qua “chơi” mấy ly “phục linh xương xáo”, ngay sau đó là trứng cút đóng bịch bán rong, có khi là đậu phộng luộc, rồi còn biết bao nhiêu thứ cao lương mĩ vị như là: trà đá đường rong, bánh tráng mắm me, bánh mì, nước sâm, cá viên chiên, sữa đậu nành, tàu hũ chén, bánh phồng tôm... Cười nói méo miệng. Và hậu quả khôn lường kéo theo sau đó là có thành viên đi nghiên cứu về bị đau bụng, bệnh mấy ngày và sụt mất mấy kg…
Và còn nhiều chuyện rất vui khác nữa mà cho đến bây giờ và sau này, mỗi khi nhóm ngồi lại với nhau, nhắc lại vẫn còn thấy vui và cười ha hả
Chiến lợi phẩm của NCKH
Quá trình bạn NCKH là quá trình bạn tích lũy những kiến thức và kinh nghiệm từ thực tế. Đó cũng là quá trình trang bị cho bạn những kỹ năng mà nếu chỉ chăm chỉ học trên lớp thì bạn sẽ khó mà có được. Ngoài những kỹ năng căn bản như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, kỹ năng tổ chức công việc, bạn còn được tiếp cận các kỹ năng khác, chẳng hạn như kỹ năng nghiên cứu giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng trình bày ý tưởng,…
Ngoài ra, giai đoạn nghiên cứu, các bạn được thầy cô giúp đỡ và đây là cơ hội để lĩnh hội kiến thức từ các thầy cô, những pho sách sống. Phần nghiên cứu sơ cấp sẽ giúp ta có cơ hội tiếp cận nhiều thành phần trong nền kinh tế. Từ doanh nhân, nhà quản lý, những vị cấp cao trong các viện nghiên cứu…cho tới những người dân buôn bán bình thường… Học hỏi từ tác phong làm việc của họ, từ cách giao tiếp của họ, quan điểm và cách nghiên cứu của họ là những chiến lợi phẩm vô giá, bổ sung vào những kiến thức được trang bị trên giảng đường, làm giàu có thêm tri thức của bạn. Bạn hãy thử xem, “không thử, sao biết mình làm được những gì?” (xì-lô-gân mới của Coca Cola)
Bí kíp NCKH của nhóm
Nhóm đề tài của nhóm tuy không giành được kết quả cao nhất trong cuộc thi như mong muốn. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng, hoàn thành được đề tài cho đến ngày nghiệm thu nó với một tâm huyết và khát khao chiến thắng, đó đã là một chiến thắng vĩ đại rồi.
Thật ra, nhóm mình cũng chẳng có bí kíp gì cao siêu lắm. Chỉ có vài điều mình cảm thấy tự hào về nhóm mình, và muốn chia sẻ với các bạn.
Điều đầu tiên , có lẽ bắt đầu từ khâu ý tưởng. Các bạn biết không, các ý tưởng được gài vào đâu đó ngay trong các giờ học trên lớp, trong bài giảng của các thầy cô, trong các giáo trình… Hoặc đề tài nghiên cứu cũng có thể được phát triển từ một tiểu luận (đề tài nhóm trong lớp) đấy bạn ạ. Nếu các bạn thực sự đam mê NCKH, hãy tìm tòi ý tưởng từ mọi nơi có thể, và đừng quên nguồn quan trọng trong bài học ở lớp nhé!
Khâu thứ hai chính là xây dựng nhóm. Các bạn biết đấy, thành viên nhóm có thể là sinh viên khác lớp, khác ngành, khác khóa, hay thậm chí khác trường với bạn. Miễn là các bạn có khả năng cộng tác tốt với nhau, có cùng đam mê NCKH và quyết tâm theo đuổi đề tài đến cùng. Điều quan trọng này lại không hề đơn giản chút nào. NCKH là cả một quá trình, trải qua rất nhiều biến cố. Nếu nhóm không hiểu nhau, không thông cảm và động viên lẫn nhau thì rất dễ “gãy gánh giữa đường”. Và cũng có những lúc bạn, hoặc các thành viên khác sẽ thấy nản lòng, nếu mỗi thành viên không có chung niềm đam mê NCKH thì khó lòng giữ được lửa nhiệt tình của cả nhóm.
Khâu thứ ba , nhóm đi vào giai đoạn nghiên cứu. Lần đầu tiên NCKH, các bạn sẽ gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Bí quyết then chốt cho giai đoạn này là các bạn phải tích cực khai thác triệt để sự giúp đỡ của GVHD. GVHD là người được các bạn tin tưởng là có đủ kiến thức để tư vấn cho bạn trong suốt quá trình NCKH, thường là người đã từng dạy bạn (để có thể hiểu được phần nào cách làm việc của nhau). Bạn nên thường xuyên liên lạc, đề nghị giúp đỡ tư vấn những vấn đề bạn còn lúng túng. Ngoài ra, bạn còn thể được tư vấn bởi tất cả những thầy, cô khác mà bạn biết (nhưng nhớ là phải hỏi đúng người cần hỏi đấy nhé, VD: điều tra chọn mẫu thì nên hỏi các thầy cô Kinh tế lượng, các thầy cô Marketing) Mình nghĩ các thầy cô đều không ngại giúp đỡ sinh viên ham học hỏi đâu. Hồi đó, thầy hướng dẫn nhóm mình là thầy giáo cực kỳ nhiệt tình giúp đỡ nhóm. Ngoài kiến thức rộng về nhiều mảng trong nền kinh tế, thầy có tính cách rất thân thiện làm cho nhóm mình rất thích.
Cũng trong quá trình nghiên cứu này, các bạn trong nhóm nên thường xuyên thảo luận với nhau để tìm ra hướng đi hợp lý cho đề tài. Thảo luận, tranh luận, tích cực đưa ra quan điểm và cách giải quyết của từng thành viên là điều được khuyến khích trong NCKH. Bởi chẳng có gì là tuyệt đối đúng, cũng chẳng có gì là tuyệt đối sai, chỉ hơn nhau ở tính thuyết phục mà thôi.
Điều cuối cùng mà mình muốn chia sẻ, đó là bạn và nhóm nghiên cứu của bạn nên sắp xếp thật hợp lý thời gian cho việc nghiên cứu và học tập trên lớp. Để việc hoàn thành đề tài không làm bạn lơ là việc học và các công tác khác.
Chúc các bạn thành công!
Saga.vn