TRÍ THỨC KHOA HỌC TRẺ TÌNH NGUYỆN

Phát huy giá trị các công trình của tuổi trẻ

Với sức trẻ và tinh thần xung kích, nhiệt huyết, những năm qua, tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực, sáng tạo nhiều mô hình, giải pháp có ý nghĩa, phục vụ hiệu quả cho cộng đồng; được xã hội công nhận và nhân rộng ra nhiều nơi trong cả nước.

Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ Trẻ vinh dự nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn vì những đóng góp ý nghĩa trong dịch Covid-19

Từ những hoạt động tình nguyện đầu tiên vào thập niên 90 của thế kỷ trước, 40 sinh viên Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức về huyện Củ Chi làm công tác xóa mù chữ. Ðến năm 1994, hoạt động này mở rộng quy mô với tên gọi chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” khi đưa 700 sinh viên của 10 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp về 10 xã của huyện Bình Chánh để dạy chữ cho người dân. Năm 1997, Thành đoàn đổi tên thành Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh”.

Từ năm 2000, chiến dịch này đã được Trung ương Ðoàn nhân rộng để thực hiện trên toàn quốc. Năm 2002, mô hình này vinh dự được trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn về những đóng góp to lớn cho cộng đồng thông qua các hoạt động tình nguyện của sinh viên. Ngày nay, chiến dịch “Mùa hè xanh” đã trở thành một thương hiệu lớn của sinh viên cả nước. Theo đó là hoạt động tình nguyện của sinh viên trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” ra đời năm 1997 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Qua hơn 21 năm triển khai, chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã hỗ trợ cho gần 20 triệu thí sinh và người nhà thí sinh trên cả nước; triển khai 58.618 đội hình tình nguyện các cấp, với sự tham gia của hơn một triệu thanh niên, sinh viên tình nguyện; tổng nguồn lực huy động được gần 200 tỷ đồng. Năm 2002, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam quyết định nhân rộng mô hình này ra toàn quốc với sứ mệnh hỗ trợ toàn diện, tối đa, đúng và trúng nhu cầu của các thí sinh, người nhà thí sinh mỗi dịp mùa thi đến.

Với những hiệu quả của mô hình “Phát huy đội ngũ khoa học trẻ, trí thức trẻ, nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm công nghệ tham gia công tác phòng, chống Covid-19”, giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2022 được trao cho Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ Trẻ được xem là phần thưởng xứng đáng cho các trí thức trẻ của đơn vị này về những cống hiến hướng đến cộng đồng, nhất là trong làn sóng dịch Covid-19 vừa qua.

Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ Trẻ Ðoàn Kim Thành cho biết: Cùng chung tay với thành phố chống dịch, tính đến tháng 3/2022, trung tâm cùng đội ngũ trí thức trẻ đã trao tặng 707.429 lít dung dịch sát khuẩn cho hơn 3.900 đơn vị, ước tính giá trị khoảng 42 tỷ đồng. Trung tâm cũng cung cấp dung dịch sát khuẩn cho nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trong tâm dịch, các kỹ sư trẻ của trung tâm đã nghiên cứu sản xuất các sản phẩm diệt khuẩn phục vụ cộng đồng như: Buồng khử khuẩn toàn thân di động; máy phun sương sát khuẩn cầm tay; máy rửa tay tự động; máy khử khuẩn di động siêu âm… Các tình nguyện viên hỗ trợ khử khuẩn cho 4.850 điểm cách ly, phong tỏa, hộ gia đình và những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn thành phố. Bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương cho biết: Các mô hình dù mới xuất hiện hay đã hình thành nhiều năm qua đều mang lại giá trị rất lớn cho cộng đồng, xã hội. Với giải thưởng Hồ Hảo Hớn, suốt 20 năm qua, Thành đoàn đã trao giải thưởng cho 173 mô hình, giải pháp của 98 tập thể và 44 cá nhân. Các công trình đều có ý nghĩa thiết thực, góp phần khắc phục những vấn đề khó trong thực tiễn công tác đoàn-hội-đội và phong trào thanh thiếu nhi của thành phố.

Trong đó, nhiều mô hình, giải pháp tiếp tục được duy trì nhiều năm sau khi được tuyên dương, nhiều mô hình được Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh áp dụng, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Giải thưởng Hồ Hảo Hớn được trao cho các đơn vị như một sự ghi nhận về sự nhiệt huyết, tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ để cùng chung tay xây dựng, phát triển thành phố. Ðể phong trào đoàn, hội của thành phố tiếp tục có hiệu quả, nhất là khơi gợi sự sáng tạo trong giới trẻ, tổ chức đoàn luôn xác định sự đổi mới về tư duy, về phương thức hoạt động, trong đó, vẫn giữ được các giá trị cốt lõi là định hướng, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, thanh niên; phát huy sức trẻ tham gia các phong trào.

Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho biết: Thành phố luôn ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của các thế hệ thanh niên thành phố và mong muốn thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó. Việc Thành đoàn duy trì và phát triển giải thưởng này trong suốt hơn 20 năm qua là một nỗ lực đáng ghi nhận. Từ đây, mong tổ chức đoàn các cấp nỗ lực phát huy giá trị của các công trình, mô hình để đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội. Thành đoàn cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giải thưởng, tạo động lực cho việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức tổ chức để các hoạt động của tổ chức đoàn ngày càng hiệu quả hơn, đa dạng hơn, bắt kịp nhu cầu của đoàn viên, thanh niên.

Nguồn: Quang Quý- Báo Nhân dân

Share This