EURÉKA

Nhóm sinh viên Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh chế tạo thành công máy đo lực cắn ở người

Nhóm sinh viên Nguyễn Thế Phương, Cao Thị Ánh Ngọc, Trần Thị Minh Thư với sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh và TS  Bùi Đức Vinh đến từ Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và chế tạo ra máy đo lực cắn nhằm đánh giá lực đặt lên răng từ đó phát hiện được những bệnh lý hiện có…

Thành công của các điều trị nha khoa phụ thuộc chủ yếu vào sự hiểu biết tường tận về hệ thống nhai. Hoạt động của hệ thống nhai ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như việc mất các răng sau, các phục hồi trên răng sau, lực cắn, hình dạng khuôn mặt, sự ăn khớp các răng và một số yếu tố khác. Trong đó, lực cắn là một chỉ số quan trọng để đánh giá chức năng của hệ thống nhai. Trong các nghiên cứu nha khoa, lực cắn được ghi lại như một biến số để đánh giá hiệu quả của nhiều thủ thuật nha khoa như phục hình, chỉnh nha hay nhằm nghiên cứu tác động của các khiếm khuyết và bệnh lý lên hệ thống nhai như sai khớp cắn, rối loạn thái dương hàm.

Chia sẻ về lý do nghiên cứu và sáng chế sản phẩm, Thế Phương cho biết đề tài máy đo lực cắn được xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học của bác sĩ nội trú Lê Hoài Phúc. Mục tiêu nghiên cứu của bác sĩ Phúc là muốn xác định thời gian cố định hàm tối thiểu cần thiết cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông làm gãy tầng mặt giữa (khi điều trị bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp cố định hàm). Thời gian cố định hàm càng ngắn sẽ đem lại sự thoải mái và thuận lợi cho bệnh nhân hơn. Để xác định khi nào có thể tháo cố định hàm, bác sĩ cần đánh giá độ vững ổn của khối xương tầng mặt giữa, việc này cần phải đo được lực cắn của bệnh nhân. “Thực tế hiện nay tại Việt Nam chưa có các thiết bị đo lực cắn, vì vậy bác sĩ Phúc đã hình thành ý tưởng chế tạo máy đo lực cắn và cùng nhóm các sinh viên tụi mình triển khai ý tưởng này”, Phương chia sẻ.

Cấu tạo máy đo lực cắn do nhóm thực hiện

Máy đo lực cắn BFM (viết tắt của Bite Force Meter) do nhóm chế tạo gồm hai thành phần chính là đầu cắn cảm biến lực và bộ xử lý hiển thị. Bộ xử lý hiển thị sẽ thu nhận tín hiệu từ đầu cắn cảm biến lực, xử lý tín hiệu và đưa kết quả lực cắn ra màn hình hiển thị dưới đơn vị Newton (N). Máy có độ chính xác cao với mức sai số dưới 1%, kèm với thiết kế nhỏ gọn tiện lợi giúp thao tác trên bệnh nhân dễ dàng. Đầu cắn cảm biến lực là bộ phận quan trọng nhất của máy, gồm 2 thanh trên và dưới, bên trong có chứa các sensor để tiếp nhận và xử lý lực cắn sau đó truyền tín đến đầu hiển thị dưới dạng con số. Bộ phận này vẫn có thể được thay thế bằng những thiết bị hiển thị khác như màn máy tính, điện thoại.

Máy đo lực cắn BFM thế hệ F4 do nhóm thực hiện cho kết quả đo chính xác và độ lặp lại cao với khả năng đo được khoảng lực cắn   lớn   lên   đến   700   N.   Độ   ổn   định   và   an   toàn   khi đo lực cắn thử nghiệm trên lâm sàng cho thấy tính khả thi cao để ứng dụng máy này cho các nghiên cứu và trong thực hành nha khoa.

Thử nghiệm máy đo lực cắn người

Trong tương lai, nhóm hy vọng máy đo lực cắn BFM có thể được sử dụng cho nhiều nghiên cứu tiếp theo như thu thập số liệu cơ bản từ đo lực cắn tối đa trung bình của người Việt Nam khỏe mạnh ở các độ tuổi khác nhau: Vị thành niên (15-19 tuổi), người trưởng thành (20-59 tuổi), người già (>60 tuổi) hay đo lực cắn trên các đối tượng bệnh nhân có vấn đề rối loạn chức năng hệ thống nhai khác nhau để đánh giá kết quả của các điều trị phục hồi trong nha khoa như phục hình tháo lắp toàn phần, cấy ghép nha khoa, phẫu thuật hàm mặt…

Bên cạnh đó, với sự tiến bộ không ngừng của khoa học kĩ thuật, máy đo lực cắn BFM có thể được nâng cấp với nhiều tính năng ưu việt hơn như khả năng lưu trữ dữ liệu thông qua kết nối với máy vi tính để dễ dàng truy xuất khi cần thiết và trao đổi thông tin bệnh nhân từ xa.

Đề tài của nhóm đã đạt giải nhì lĩnh vực Công nghệ Sinh – Y sinh, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần 23 năm 2021.

Share This