Hình header
Tiếng Việt English

Lịch sử hình thành và phát triển Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ

Lịch sử hình thànhNgày đăng: 31/08/2015Nguồn tin: Khoa học trẻ TST

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRẺ “THẮP SÁNG ƯỚC MƠ SÁNG TẠO, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC” CỦA TUỔI TRẺ THÀNH PHỐ

Trải qua 28 năm hình thành, phát triển, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ luôn là đơn vị đồng hành cùng với phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ của tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh. Tiền thân của Trung tâm là Ban Khoa học Kỹ thuật Thành Đoàn, là Ban Khoa học kỹ thuật đầu tiên của cả nước trong hệ thống đoàn thanh niên. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới vào ngày 03/8/1989 theo quyết định số 444/QĐ-UB-CN của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh trung tâm được thành lập với tên gọi ban đầu là “Trung tâm Sáng tạo khoa học và kỹ thuật trẻ” trực thuộc Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Đến ngày 12/8/1998, Ủy ban Nhân dân thành phố ra quyết định số 4180/QĐ-UB-CN đổi tên thành Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ với nhiệm vụ phát triển phong trào, tổ chức đa dạng các sân chơi tuổi trẻ sáng tạo, qua đó tập hợp và phát huy năng lực sáng tạo của tuổi trẻ thành phố. 28 năm là mốc son đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của Trung tâm nói riêng cũng như phong trào nghiên cứu, sáng tạo của tuổi trẻ thành phố nói chung. Để có được thành công của ngày hôm nay, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, hội đồng cố vấn khoa học trung tâm với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ đã cùng trung tâm vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đưa phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học của thanh thiếu nhi thành phố đi lên. 28 năm, một quá trình chinh phục, một hành trình “chắp cánh ước mơ, khơi nguồn sáng tạo”.

Trung tâm ra đời trong bối cảnh đất nước đang có nhiều chuyển biến sâu sắc

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (tháng 12 năm 1986) tình hình bối cảnh đất nước ta có nhiều chuyển biến sâu sắc, với những thay đổi quan trọng trong chủ trương, đường lối, chính sách về xây dựng đất nước. Sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng, cũng như phương hướng, hành động của Đoàn thanh niên thành phố đặt ra những yêu cầu mới. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết cho đoàn viên thanh niên giai đoạn này là không ngừng học tập nâng cao trình độ và năng lực lao động sáng tạo, nhằm xung kích phát triển kinh tế, xã hội, đưa đất nước vượt qua khó khăn. Và chương trình “Tuổi trẻ học tập và lao động sáng tạo làm giàu cho đất nước” là hành động thiết thực của tuổi trẻ thành phố để thực hiện nhiệm vụ đặt ra.

Trước tình hình này, việc tạo lập một mô hình có sức hút, tập hợp đông đảo thanh niên vào phong trào hoạt động Đoàn gắn với quá trình thúc đẩy sự phát triển khoa học kỹ thuật là một thực tế khách quan để huy động sức người, sức của vào công cuộc đổi mới phát triển đất nước. Đó là những cơ sở thúc đẩy sự ra đời của Trung tâm Sáng tạo Khoa học kỹ thuật Trẻ nhằm hướng tới mục tiêu tập hợp lực lượng thanh niên, sinh viên, trí thức, khoa học trẻ thông qua các mô hình câu lạc bộ, cuộc thi, chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo.  Giai đoạn đầu thành lập là giai đoạn tìm tòi, hình thành những nội dung, phương thức hoạt động của Trung tâm sao cho phù hợp với quá trình đổi mới chung của đất nước.

Anh Trần Đình Phú (Giám đốc trung tâm Giai đoạn 1989 – 1995) cho biết: “Trong giai đoạn đầu thành lập, Trung tâm đã tổ chức những hoạt động “mẫu” mang đặc trưng nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất, và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, những hoạt động này đã lan tỏa, tạo thành phong trào trộng rãi trong thanh niên thành phố cũng như cả nước”. Khi nhắc tới điều đó, anh Phú không khỏi tự hào và chia sẻ “Lần đầu tiên một phòng máy vi tính “đen – trắng” được Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ để trang bị, lắp đặt tại Thành Đoàn để chúng ta tổ chức Hội thi Tin học trẻ. Như vậy, ngành công nghệ tạo sự bùng nổ vượt bậc toàn cầu đã có mặt “rất sớm” từ sân chơi do Trung tâm khởi xướng.

Những bước đi đầu tiên của phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo cho tuổi trẻ thành phố

Sau những ngày đầu thành lập, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trung tâm bắt tay vào xây dựng những tiền đề đầu tiên cho phong trào học tập, nghiên cứu, sáng tạo của thanh thiếu nhi thành phố.

Các câu lạc bộ sáng tạo trẻ như câu lạc bộ ngành Cơ khí, Điện – điện tử, Tin học ra đời, đây cũng chính là nền móng đầu tiên cho việc hình thành câu lạc bộ “Các nhà khoa học trẻ” sau này. Thông qua những câu lạc bộ này, Trung tâm đã tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học trẻ, tổ chức các hoạt động, xây dựng xân chơi qua đó phát huy khả năng sáng tạo, kiến thức chuyên môn của đội ngũ trí thức trẻ phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

1992 - Hội thi Năng khiểu trẻ tin học lần 2 năm 1992

Song song với đó, những cuộc thi, giải thưởng, hoạt động phát triển phong trào học tập, sáng tạo của thanh thiếu nhi cũng được tổ chức. Có thể kể đến đầu tiên là “Hội thi Tin học không chuyên” tiền thân của “Hội thi Tin học trẻ” ngày này, Hội thi mà tính đến thời điểm này đã được tổ chức 23 năm, và cũng chính từ mô hình của thành phố, Trung Ương Đoàn đã triển khai mở rộng ở quy mô toàn quốc. Trong những ngày đầu tổ chức, khi mà thuật ngữ “tin học” còn rất xa lạ ở nước ta, và những chiếc máy vi tính với màn hình đen trắng cũng là rất quý hiếm. Vậy mà, với sự tâm huyết và nhiệt tình của tuổi trẻ, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trung tâm đã liên hệ, vận động để mượn về hàng chục, hàng trăm chiếc máy tính để tổ chức giải. Ngoài ra, trường Tin học Thành Đoàn đã được thành lập, qua đó phát triển phong trào và đưa tin học tới gần hơn với thanh thiếu nhi thành phố.

Tổng kết và trao giải thưởng phát triển tài năng trẻ năm 2002

Bên cạnh đó, những hoạt động về nghiên cứu khoa học cho đối tượng sinh viên cũng được Trung tâm triển khai tổ chức. Và Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka là Giải thưởng không thể không nhắc đến khi nói về phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên thành phố Hồ Chí Minh. Xuất phát từ chương trình “Vì ngày mai phát triển” do Báo Tuổi trẻ phát động, chương trình Euréka tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ (còn gọi là “chương trình 7”) đã được ra đời vào năm 1990. Sau đó 1 năm, Ban tổ chức chương trình đã chuyển giao lại cho Trung tâm là đơn vị thường trực tổ chức. Chương trình Euréka và nay là Giải thưởng sinh viên Nghiên cứu khoa học Euréka đã tạo được uy tín và thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu trong sinh viên thành phố.

Bắt đầu từ năm 1996, chương trình Vườn Ươm Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật trẻ đã ra đời với sự phối hợp của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ thành phố), mở ra cơ hội mới cho đội ngũ sáng tạo trẻ được góp mặt vào hoạt động khoa học công nghệ cùng các bậc chuyên gia giỏi và giàu kinh nghiệm và tạo ra môi trường để những nhà khoa học trẻ phát huy tối đa năng lực sáng tạo, đây cũng là nguồn hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu của mình. Trong giai đoạn đầu thành lập, trung tâm cũng đã bắt tay vào tổ chức những hoạt động sáng tạo thu hút được nguồn lực xã hội như: Cuộc thi Sáng tác mẫu mã – mặt hàng mới trở thành tiền đề của phong trào CKT thành phố và cả nước sau này. Hay Quỹ bảo trợ Tài năng trẻ cũng đã góp phần hỗ trợ cho các tài năng trẻ trong các lĩnh vực văn hóa thể thao đến học tập, nghiên cứu khoa học.

Cuộc thi Trí tuệ TST trong Tuần lễ Sáng tạo năm 1998

Anh Ngô Bách Phong (Giám đốc trung tâm giai đoạn 1995 – 1998) chia sẽ: “Khó khăn và thuận lợi thì thời nào cũng có, song lòng nhiệt huyết tuổi trẻ của giai đoạn đó thì tôi không thể nào quên. Tôi còn nhớ, để có thể tổ chức một lớp Tin học căn bản, chúng tôi phải đi vận động các nhà tài trợ. Sau khi thuyết phục được một nhà tài trợ cho mượn dàn máy (lúc đó chỉ là máy tính màn hình đen trắng XT), từ Giám đốc tới nhân viên phải cùng nhau quét dọn hội trường (đi thuê), rồi khiêng vác bảng, máy tính… và cùng học với học viên “ngon lành”. Đó là những kỷ niệm một thời “máu lửa” với phong trào sáng tạo của thanh niên thành phố mà tôi cũng như anh em cán bộ không thể nào quên”.

 

Đi tìm nguồn lực tài trợ cho phong trào, hoạt động sáng tạo của thanh thiếu nhi thành phố

            Sau khi hình thành nên những phong trào, hoạt động, sân chơi khoa học sáng tạo cho thanh thiếu nhi thành phố, một thách thức đặt ra cho tập thể cán bộ, lãnh đạo trung tâm là nguồn tài trợ để tiếp tục tổ chức, triển khai, đưa phong trào sáng tạo của tuổi trẻ thành phố ngày một bay cao, bay xa hơn nữa. Trong giai đoạn đầu khi đất nước chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, những nguồn kinh phí bao cấp trước đây “tự nhiên” biến mất, các doanh nghiệp thì chưa quen tài trợ cho hoạt động sáng tạo của thanh niên, nên nguồn kinh phí để tổ chức chương trình trở thành bài toán nan giải đối với tập thể lãnh đạo và cán bộ Trung tâm. Trong khi đó, chủ trương phát triển của Trung tâm là xây dựng các hoạt động mang tính lâu dài, bền vững, kiểu mẫu và có sự thay đổi thích ứng với từng thời kì, tạo môi trường rèn luyện đích thực cho các bạn trẻ. Do đó, dù gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ trung tâm vẫn luôn nỗ lực vượt qua, liên hệ với các nhà tài trợ cũng như đơn vị hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn, để duy trì và phát triển các hoạt động sáng tạo cho thanh thiếu nhi thành phố.

Lễ Tổng kết và Trao giải Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka năm 2006

Vào năm 2004, khi số lượng đề tài tham gia giải Euréka đã lên đến con số hơn 400 đề tài (tăng gấp ba so với năm 2002), đòi hỏi công tác tổ chức phải quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và cần nhiều kinh phí hơn. Được sự hỗ trợ của Ban thường vụ Thành Đoàn, Trung tâm đã xây dựng Quỹ sinh viên nghiên cứu khoa học và trình Thành phố xét duyệt. Lần đầu tiên UBND TP. Hồ Chí Minh cấp một tỷ đồng để phục vụ cho việc tổ chức giải thưởng. Sự quan tâm của UBND Thành phố cũng bắt đầu khẳng định sự lớn mạnh của giải thưởng. Cho đến nay, sau 10 năm thành lập, Quỹ Sinh viên nghiên cứu khoa học đã phát triển lớn mạnh và hỗ trợ cho rất nhiều bạn sinh viên học tập tại TP. Hồ Chí Minh. Cũng chính trong giai đoạn 2002 - 2005, Trung tâm đã vận động được hơn 1000 máy tính (máy tính là thiết bị rất giá trị vào lúc bấy giờ) cho chương trình “Xóa mù tin học” và trung tâm cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị chung tay góp sức đồng hành qua từng hoạt động.

Anh Đỗ Việt Hà (Giám đốc Trung tâm giai đoạn 2002 -2005) chia sẽ: “Chính từ những chuyến công tác đến các nước có trình độ khoa học phát triển, đã giúp anh tăng cường thêm kiến thức thực tiễn về các loại hình khoa học công nghệ phù hợp với những người nghiên cứu trẻ, từ đó rút ra được kinh nghiệm xây dựng các hoạt động phù hợp với tình hình trong nước”. Theo anh, để các mô hình, hoạt động có thể tạo được sự lan tỏa sâu rộng, thì trước hết cần phải nhận được sự đồng thuận và chung sức của xã hội, bên cạnh đó các mô hình, hoạt động cần được định hình, cải tiến để theo kịp với thực tiễn cuộc sống.

            Từng bước ổn định, đẩy mạnh phát triển phong trào sáng tạo trong tuổi trẻ thành phố

            Trải qua giai đoạn đầu hình thành và phát triển, hoạt động của Trung tâm dần đi vào ổn định, các Hội thi, Giải thưởng do Trung tâm tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo giới trẻ yêu thích khoa học, sáng tạo tại thành phố. Thông qua những hoạt động đó, Trung tâm đã phát hiện, bồi dưỡng những tài năng – năng khiếu trẻ cho xã hội. Bên cạnh đó, trung tâm cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo mà trực tiếp là Ban Thường vụ Thành Đoàn, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban – ngành như: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Giáo dục Đào tạo…và sự đồng hành của xã hội.

            Trên nền tảng những thành quả đã đạt được, Trung tâm tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động, các sân chơi khoa học sáng tạo cho tuổi trẻ thành phố. Từ thực tế nhận thấy số lượng sinh viên có khả năng, năng lực sáng tạo ở TP. Hồ Chí Minh rất nhiều, có nhiều công trình sản phẩm có khả năng ứng dụng và cần được giới thiệu ra ngoài xã hội, trung tâm đã triển khai Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo đầu tiên của cả nước. Liên hoan đã thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên đến từ nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các bậc phụ huynh, thầy cô và giới chuyên nghiên cứu khoa học cũng là tín hiệu đáng mừng cho liên hoan.

            Chương trình “Trí thức Khoa học trẻ tình nguyện” được tổ chức cũng đã tập hợp, phát huy được tinh thần xung kích tình nguyện của đông đảo lực lượng trí thức trẻ có trình độ khoa học, kỹ thuật của thành phố, góp sức vào công cuộc xây dựng, phát triển xã hội, nông thôn mới. Thông qua chương trình, hàng trăm trí thức trẻ đã được tập hợp để tổ chức các buổi tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào cuộc sống.

            Anh Nguyễn Công Tĩnh (Giám đốc trung tâm giai đoạn 2007 – 2011) bộc bạch: “Sáng tạo là phẩm chất của thanh niên, hoạt động của trung tâm mang tính liên thông từ khi các bạn còn là học sinh, sinh viên, cho đến các giảng viên, trí thức khoa học trẻ của thành phố. Thông qua các sân chơi sáng tạo, sẽ phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu trẻ, thực hiện chuyển giao sản phẩm nghiên cứu của tuổi trẻ thành phố tới các cơ quan, doanh nghiệp để đưa vào ứng dụng thực tế. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ xây dựng các câu lạc bộ, đội nhóm học thuật nhằm đưa thông tin, hoạt động sáng tạo sâu rộng hơn tới tuổi trẻ thành phố”.

            Phát triển dịch vụ khoa học, đào tạo, ký kết hợp tác và định hướng phát triển trong tương lai

Trong xu thế hội nhập như hiện nay, để khoa học và công nghệ phát triển mạnh cần có sự liên kết giữa các nhà khoa học, giữa các viện nghiên cứu, liên kết giữa các trường. Đặc biệt là sự liên kết giữa bên trong và bên ngoài, hay nói cách khác cần phải có sự liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước trong việc phát triển các dự án khoa học. Trong những năm gần đây trung tâm đã đẩy mạnh nội dung này thông qua việc phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước như: Trung tâm Hội nhập Quốc tế WTO TP. Hồ Chí Minh; Vườn ươm doanh nghiệp, Khu công nghệ cao thành phố; tập đoàn Intel Vietnam; Đơn vị nghiên cứu lâm sàn đại học Oxford; Trung tâm cũng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản trị, Môi trường Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á...tạo cầu nối cho các bạn sinh viên có cơ hội đi du học ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế còn nhằm mục đích thu hút nguồn lực của thế giới về hỗ trợ cho các hoạt động, phong trào sáng tạo của thanh thiếu nhi. Đồng thời tìm kiếm các cơ hội để đưa các nhà khoa học trẻ có điều kiện ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ.

Lễ ký kết hợp tác phát triển Dự án Game Lab

Với tính chất là một đơn vị sự nghiệp, phải tự túc kinh phí cho sự phát triển của Trung tâm, thì mảng dịch vụ khoa học công nghệ cũng cần được quan tâm đầu tư đúng mức. Các dịch vụ đang nói đến đó là đào tạo kiến thức, kỹ năng khoa học công nghệ, liên kết tổ chức các hội nghị - hội thảo, giới thiệu các công nghệ mới của các tổ chức đến với các bạn thanh niên. Thông qua những hoạt động đó, Trung tâm vừa thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đưa khoa học công nghệ đến với các bạn trẻ, vừa tranh thủ được nguồn lực của các tổ chức xã hội để hỗ trợ cho bộ máy hoạt động của trung tâm được tốt hơn.

Bên cạnh đó, Trung tâm xác định cần phải đầu tư nhiều hơn nữa là mảng nghiên cứu khoa học, bởi vì để khẳng định được vị trí và vai trò của Trung tâm, cũng như tăng cường tính kết nối thì cần phải đẩy mạnh hoạt động này. Trung tâm phải trở thành nơi mà các nhà khoa học trẻ tìm tới để có thể hỗ trợ và phát triển các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Đối với nội dung này, hiện tại trung tâm cũng đang là cơ quan chủ trì của chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ. Vấn đề đặt ra là bản thân cán bộ trung tâm cũng cần phải có những công trình nghiên để phục vụ cho công tác Đoàn Hội và sự phát triển của thành phố. Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung tâm và chính Trung tâm sẽ đứng ra chủ trì những công trình, đề án đó. Đó cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà Trung tâm sẽ tập trung đầu tư trong thời gian tới. Mỗi cán bộ không chỉ làm công tác quản lý khoa học mà còn phải là người chấp bút để thực hiện những công trình nghiên cứu gắn liền với đời sống xã hội, gắn liền với thanh niên. Hoạt động nghiên cứu khoa học phải được xem như là mảng chính, mũi nhọn của trung tâm trong tương lai. Hiện tại trung tâm mạnh về hoạt động phong trào, về mặt định hướng cũng cần phải cân bằng lại hai mảng này.

Anh Đoàn Kim Thành (Giám đốc Trung tâm từ năm 2011 đến nay) chia sẽ: “Có thể nói Trung tâm của chúng ta như là một con đò đã đưa nhiều lớp thế hệ các anh chị cán bộ trung tâm đến và đi, đưa nhiều tài năng khoa học công nghệ trẻ đi một đoạn trên bước đường thành công và bây giờ dù ở vị trí nào thì các anh chị cũng luôn có sự quan tâm đến các hoạt động và sự phát triển của Trung tâm. Có một điều đáng mừng hơn nữa đó là những anh chị đã từng đi trên con đò ấy đều có những thành công trong sự nghiệp của mình. Đa số tập thể cán bộ của trung tâm đều rất trẻ, tôi mong muốn các bạn sẽ làm việc bằng cả tri thức và lòng nhiệt huyết, thời gian mà các cán bộ làm việc ở đây, nó không chỉ là công việc mà còn là môi trường cho mình rèn luyện và trưởng thành. Hình ảnh thành công của các anh chị cũ ở trung tâm sẽ chính là hình ảnh của các bạn trong tương lai. Điều đó phụ thuộc vào những gì mà các bạn đã làm và sẽ làm tại Trung tâm”.

Qua 28 năm,  một chặng đường hình thành, phát triển của Trung tâm. Tập thể lãnh đạo, cán bộ Trung tâm sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, để đưa phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ thành phố bay cao, vươn xa hơn nữa, để Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ sẽ tiếp tục là nơi “thắp sáng ước mơ, khơi nguồn sáng tạo, nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ thành phố”.

Trung tâm tổ chức các hoạt động ở 3 mảng chính:

I. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO SÁNG TẠO

Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh

- Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh

- Cuộc thi Ý tưởng Sáng tạo Trẻ TP. Hồ Chí Minh

- Hội thi Bắn tên lửa nước TP. Hồ Chí Minh

- Giải thưởng Thiết kế - chế tạo - ứng dụng

- Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP. Hồ Chí Minh

- Quỹ Bảo trợ Tài năng Trẻ

- Cuộc thi lập trình Makerthon

- Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka

- Sân chơi Khoa học vui

- Học viện Khoa học Thiếu nhi

- Cuộc thi đua xe điều khiển từ xa

- Chương trình Chuyến xe tri thức

- Chương trình Máy tính cũ, tri thức mới

- Chương trình Café Khoa học

....

II. CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN DỰ ÁN

Diễn đàn Khoa học Sinh viên Quốc tế

- Chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ

- Chương trình Vườn ươm Khoa học Thanh niên

- Chuyên san Phát triển Khoa học và Công nghệ

- Hội nghị, hội thảo khoa học về các chủ đề

- Chương trình Trí thức Khoa học trẻ Tình nguyện

- Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học

...

III. HỢP TÁC, ĐÀO TẠO VÀ CÁC DỊCH VỤ VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm phát triển phòng trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo.

- Đào tạo các chương trình về nghiên cứu khoa học, phân tích xử lý số liệu

- Đào tạo chứng chỉ công nghệ thông tin, tin học văn phòng

- Hướng dẫn sử dụng Internet, smartphone cho người lớn tuổi

- Thực hiện dịch vụ thiết kế đồ họa và các dịch vụ quay phim, thực hiện clip

...

 

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI:

Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ

 

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRẺ
Số 1, Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh
(028) 38 233 363 - (028) 38 230 780

© 2015 - 2024 Bản quyền thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn