Hình header
Tiếng Việt English

Tài năng trẻ Tôn Thất Vĩnh đam mê nghiên cứu tách tế bào trong ảnh y khoa

Quỹ Bảo trợ Tài năng trẻNgày đăng: 16/01/2019Nguồn tin: TST

Ba tháng thực tập ở Mỹ, Tôn Thất Vĩnh tiếp cận hướng nghiên cứu khá mới mẻ, đề xuất ý tưởng và nhận kết quả xuất sắc cuộc thi về tách tế bào trong ảnh y khoa tại hội nghị hàng đầu thế giới về ứng dụng tin trong y khoa. Đó là câu chuyện về Tài năng trẻ TP.HCM Tôn Thất Vĩnh vừa được tôn vinh là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2018.

Tôn Thất Vĩnh (trái) trao đổi cùng thầy hướng dẫn - PGS.TS Trần Minh Triết

“Vĩnh có khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, làm việc kiên trì, tinh thần trách nhiệm cao, cộng với kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề sắc sảo nên trong quá trình nghiên cứu, em đã đề xuất được các giải pháp tiềm năng để đạt đến kết quả tốt” - PGS.TS Trần Minh Triết

Phần lớn tác giả công bố nghiên cứu tham dự cuộc thi trong khuôn khổ hội nghị này đều có trình độ thạc sĩ trở lên. Nhưng tác giả đề xuất phương pháp mới tách các tế bào trong ảnh y khoa lại là sinh viên Việt Nam: Tôn Thất Vĩnh - lớp cử nhân tài năng ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Dấu ấn quan trọng

Vĩnh chỉ có ba tháng để làm quen, nghiên cứu đề xuất phương pháp mới, trong kỳ thực tập tại phòng nghiên cứu của GS Đỗ Ngọc Minh ở ĐH UIUC (University of Illinois at Urbana-Champaign), Mỹ. Vĩnh được GS Minh đánh giá cao ở kiến thức nền và tiềm năng nghiên cứu khi bắt đầu tham gia nghiên cứu và là đồng tác giả bài báo khoa học công bố tại hội nghị CVPR (Computer Vision & Pattern Recognition) 2017 và 2018, một trong những hội nghị hàng đầu thế giới về thị giác máy tính.

Vì là hướng nghiên cứu mới, chưa từng tiếp cận trong nước, Vĩnh phải dành nhiều thời gian bổ sung kiến thức và thường xuyên trao đổi với cộng sự là TS Ben Chidester - ĐH CMU (Carnegie Mellon University). Những nỗ lực ấy đã được đền đáp xứng đáng. Thành quả nghiên cứu được công bố tại hội nghị hàng đầu về ứng dụng tin học trong y khoa, xếp thứ 11 trong gần 40 kết quả của nhiều trường danh tiếng đến từ Mỹ, Đức, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Áo...

Từ ảnh chụp mô bệnh học, qua nghiên cứu được đề xuất sẽ cho phép tăng độ chính xác trong việc đếm số tế bào thuộc các loại tế bào khác nhau. Vĩnh nói máy tính phân tích ảnh đếm số lượng tế bào, có thể giúp theo dõi quá trình thuốc tác động trong điều trị ung thư để điều chỉnh lượng thuốc phù hợp.

"Đây là hướng nghiên cứu tiềm năng và có ý nghĩa quan trọng, kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ thêm cho các chuyên gia y khoa trong chẩn đoán và điều trị bệnh từ các ảnh y khoa" - PGS.TS Trần Minh Triết (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên) nhận xét.

Vĩnh còn được nhắc đến với việc tham gia nghiên cứu về bài toán phân đoạn thực để tách các đối tượng trong video. Kết quả đã công bố rất có ý nghĩa trong việc xây dựng các hệ thống camera thông minh phục vụ giám sát giao thông tự động, hệ thống bảo vệ với camera an ninh giúp phát hiện những hành vi, sự kiện bất thường, hệ thống phân tích hỗ trợ xe tự lái...

Đam mê nghiên cứu

Vĩnh nhận ra niềm đam mê tìm tòi, khám phá kiến thức mới khi làm quen với môn học phương pháp nghiên cứu khoa học. Cậu sinh viên năm thứ hai lúc ấy nhận được sự hướng dẫn của PGS.TS Trần Minh Triết và TS Lê Trung Nghĩa (Viện Tin học quốc gia Nhật Bản), không chỉ học được phương pháp giải quyết các bài toán trong nghiên cứu mà còn dần mở cánh cửa bước vào thế giới kiến thức về thị giác máy tính và máy học đầy hấp lực.

Dù đang là sinh viên năm cuối, hành trang anh chàng đã sở hữu sáu bài báo khoa học tại các hội nghị khoa học quốc tế về lĩnh vực thị giác máy tính. Trong đó Vĩnh là tác giả chính hai bài, đồng tác giả bốn bài cùng nhóm nghiên cứu, tập trung ở ba chủ đề chính: phân đoạn đối tượng trong video và ảnh y khoa, dự đoán vận tốc xe trong camera giao thông, truy vấn mô hình ba chiều.

Suốt ba tháng ở Mỹ, Vĩnh chỉ dám dành đúng hai ngày cuối trước khi kết thúc kỳ thực tập trở về Việt Nam để đi chơi, lên Chicago cho biết "nước Mỹ là thế nào"! Những ngày còn lại, hầu như anh chỉ biết mỗi con đường từ nơi trọ đến phòng lab, làm bạn với chiếc máy tính.

Điều này cũng không khá hơn là mấy khi suốt gần bốn năm trọ học tại TP.HCM, con đường Vĩnh rành nhất, đi nhiều nhất cũng chính là từ phòng trọ đến trường.

"Không biết đi chơi là gì?" - tôi hỏi. Vĩnh phân trần: "Cũng có chạy xe ra chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà mà!". Nhưng có lẽ nhờ vậy mà con đường nghiên cứu và làm khoa học đang mở ra dẫu không thiếu thách thức nhưng có thể nhìn thấy cơ hội nhiều hơn với anh chàng ốm ròm này.

Tôn Thất Vĩnh (phải) chia sẻ cùng khách tham quan về nghiên cứu của mình và cộng sự tại hội nghị về thị giác máy tính tại Mỹ năm 2018

Chàng sinh viên gốc Huế ấy là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên tham dự và đoạt giải ở các kỳ thi quốc tế về nghiên cứu khoa học, lĩnh vực công nghệ thông tin.

Vĩnh là một trong các thành viên chính tham dự và đoạt giải tại cuộc thi DAVIS (Densely Annotated VIdeo Segmentation) trong khuôn khổ hội nghị hàng đầu thế giới về thị giác máy tính cả hai năm 2017, 2018. Năm 2018, Vĩnh còn đạt kết quả cao tại cuộc thi MoNuSeg (Multi-Organ Nuclei Segmentation) trong khuôn khổ hội nghị MICCAI (Medical Image Computing & Computer Assisted Intervention) là hội nghị hàng đầu thế giới về ứng dụng tin học trong y khoa.

Tôn Thất Vĩnh đã được tôn vinh Tài năng trẻ TP. Hồ Chí Minh và được trao bảo trợ Tài năng trernawm 2018 với số tiền là 10.000.000 đồng. Đồng thời, Tôn Thất Vĩnh cũng là một trong chín Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2018.

Một số thành tích của Tôn Thất Vĩnh:

Năm 2018

- Thực tập tại Coordinated Science Laboratory, University of Illinois at Urbana-Champaign, USA, năm 2018.

- Tham gia và đạt hạng Ba kỳ thi: DAVIS Challenge on Video Object Segmentation 2017 (CVPR Workshop 2018).

- Giải Nhất kì thi truyền thống Thách Thức 2018 của khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM.

- Tham gia và đạt hạng Sáu kỳ thi: DAVIS Challenge on Video Object Segmentation 2018 – Semi-Supervised Track (CVPR Workshop 2018).

- Tham gia và đạt hạng Sáu kỳ thi: AI City Challenge 2018 - Track 1 (CVPR Workshop 2018).

- Tham gia và đạt giải Nhất kỳ thi SHREC’18 Track: 2D Image-Based 3D Scene Retrieval.

- Tham gia và đạt giải Nhất kỳ thi SHREC’18 Track: 2D Scene Sketch-Based 3D Scene Retrieval.

- Tác giả chính 2 bài báo quốc tế, đồng tác giả 4 bài báo quốc tế.

 

* Một số thành tích các năm trước:

- Giải Nhì đồng đội khu vực phía Nam kỳ thi ACM-ICPC năm 2015, 2016, và cấp quốc gia năm 2017.

- Giải thưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông TP.HCM năm 2017 dành cho sinh viên xuất sắc trong học tập, nghiên cứu ngành Công nghệ Thông tin.

* Thành tích cấp quốc gia:

- Giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2015, Giải Ba năm 2014.

Sinh viên đạt điểm học tập trung bình cao nhất khoa Công nghệ thông tin (hệ Cử nhân tài năng) năm học 2015 - 2016 (với số điểm: 9.33/10).

- Sinh viên đạt điểm học tập trung bình cao nhất lớp Cử nhân tài năng (khóa 2015) năm học 2016 - 2017 (với số điểm: 8.96/10).

 

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRẺ
Số 1, Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh
(028) 38 233 363 - (028) 38 230 780

© 2015 - 2024 Bản quyền thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn